Để doanh nghiệp nhỏ và vừa “chuyển mình” từ chuyển đổi số
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là thành tựu từ Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã đưa doanh nghiệp (DN) nước ta vào cuộc chuyển mình lớn mang tên chuyển đổi số (CÐS). Làm thế nào để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội từ CÐS; thiết lập lộ trình cụ thể hóa các chính sách CÐS thành các giải pháp cụ thể, thiết thực trong thực tiễn đang là vấn đề được nhiều DN quan tâm.
Tại hội thảo, tọa đàm trực tuyến CÐS - Từ chính sách đến giải pháp thực tiễn cho DN nhỏ và vừa, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh: “CÐS giờ đây không còn là tầm nhìn mà trở thành nhu cầu thực tế, đòi hỏi DN Việt phải thực hiện và thực hiện thành công. Việt Nam là nước đang phát triển với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh chóng, linh hoạt. DN Việt đang đứng trước cơ hội bắt kịp xu thế chung của nền kinh tế thế giới và cũng đứng trước nguy cơ tụt hậu nếu thất bại trong cuộc đua này”.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, phần lớn DN nhỏ và vừa Việt Nam gặp nhiều rào cản trong CÐS: thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong DN. Sự kiện hôm nay nhằm giúp các DN nhỏ và vừa Việt Nam định hướng khung CÐS, tìm ra những giải pháp thực tiễn phù hợp. Từ đó, ứng dụng công nghệ hiện đại để CÐS thành công, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng với yêu cầu của bối cảnh mới, tăng tốc hội nhập và phát triển bền vững.
Kết quả khảo sát của VCCI với 10.000 DN toàn quốc cho thấy, dịch COVID-19 tác động tới hơn 87% DN. Trong đó, khối DN nhỏ và vừa chiếm 98% chịu thiệt hại nhiều nhất do những hạn chế về vốn, nhân lực, thị trường. Dịch bệnh cũng làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm gián đoạn. Ða số các DN giảm từ 50-90% doanh thu so với trước dịch, nhiều DN phải thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh. Do vậy, để tiếp tục vận hành và phát triển, nhiều DN phải tìm hướng đi mới, đẩy nhanh số hóa để nâng cao năng lực đổi mới, sức cạnh tranh; tăng kết nối với khách hàng để duy trì và mở rộng thị trường.
Trong và sau đại dịch COVID-19 DN nhỏ và vừa có thể tăng tốc CÐS đồng thời đảm bảo mọi hoạt động diễn ra thông suốt, phục hồi sản xuất kinh doanh nhanh hơn, dữ liệu được bảo mật tuyệt đối, ở mức chi phí đầu tư vừa phải thông qua tối ưu hóa hạ tầng công nghệ thông tin. Theo bà Dương Thị Hạnh Phúc, Giám đốc Tiếp thị HPE Việt Nam, CÐS là con đường ngắn nhất để DN tăng năng lực sáng tạo, hiệu suất lao động, tối ưu hóa lợi nhuận, tăng doanh thu nhưng hành trình này không hề dễ dàng.
Mọi DN khi bước đầu CÐS đều quan tâm đến hạ tầng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, không như những DN lớn có thể đầu tư mạnh vào lĩnh vực này, DN nhỏ và vừa mong muốn tiếp cận dịch vụ cung ứng hạ tầng công nghệ thông tin với giá cả hợp lý, mang lại hiệu quả nhanh chóng. “Khách hàng là vấn đề DN nhỏ và vừa quan tâm hàng đầu chứ không phải công nghệ thông tin.
Vì vậy, họ cần cung cấp dịch vụ để chỉ tập trung trung vào công việc sản xuất, kinh doanh và đem lại trải nghiệm tốt cho khách hàng. Bên cạnh đó, họ cần bảo mật và an toàn. Ðiều này đảm bảo công việc sản xuất, kinh doanh của họ diễn ra liên tục, thông suốt và nhanh chóng quay trở lại hoạt động trong trường hợp có sự cố xảy ra”- bà Dương Thị Hạnh Phúc chia sẻ.
Ðể các định hướng, chính sách hỗ trợ CÐS đi vào thực tiễn, nhiều ý kiến đề xuất phải vạch ra lộ trình, hình thành bộ khung về CÐS để DN tiếp cận dễ dàng. Theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và CÐS, các DN vừa và nhỏ cần phải có một khung CÐS theo hướng tinh gọn, linh hoạt dựa trên khung CÐS chung. Lộ trình chuyển đổi sẽ tương ứng với nhu cầu và quy mô tổ chức khác nhau, kết quả đầu ra của quá trình CÐS tại DN.
Khi tiến hành CÐS theo bộ khung định sẵn sẽ là cơ sở cho việc thiết lập lộ trình và kế hoạch CÐS; đảm bảo CÐS hỗ trợ đắc lực cho việc thực thi chiến lược, mục tiêu kinh doanh; đảm bảo các hoạt động CÐS đúng hướng, cân bằng; xác định lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi; giúp phân bổ nguồn lực phù hợp cho CÐS…
Để DN nhỏ và vừa thích ứng và không bị tụt hậu với bối cảnh mới, theo ông Hoàng Quang Phòng DN nhỏ và vừa cần tập trung cho việc đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số đáp ứng yêu cầu CĐS. Cùng với đó, DN cần phát triển sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu mới của thị trường trong và sau dịch COVID-19; kết nối chặt chẽ với đối tác, nâng cao năng lực đổi mới và sức cạnh tranh trên thị trường.
Nhiều DN hiện nay có suy nghĩ CĐS là thay đổi công nghệ, tuy nhiên các chuyên gia hàng đầu về CĐS khẳng định, để CĐS thành công, DN phải tuân thủ mô hình CĐS với 4 nội dung: gắn kết khách hàng, hỗ trợ nhân viên, tối ưu hóa vận hành và chuyển đổi sản phẩm. Có như vậy, lộ trình CĐS mới toàn diện, đồng bộ từ bên trong lẫn bên ngoài từ đó tạo bước đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại mỗi DN.