Để gia tăng chuỗi giá trị ngành nông nghiệp
Ngành nông nghiệp của Việt Nam phải tạo ra nhiều giá trị hơn với đầu vào ít hơn trong khi đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.
Việt Nam là nước xuất khẩu nhiều loại thủy sản, gạo, cà phê, chè, điều nhân, hạt tiêu, cao su và sắn. Khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, ngành nông nghiệp cần phải chuyển đổi mạnh hơn với sự tham gia rộng rải của doanh nghiệp tư nhân. Ngành nông nghiệp của Việt Nam phải tạo ra nhiều giá trị hơn với đầu vào ít hơn trong khi đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.
Cụ thể là các chuỗi giá trị nông nghiệp hiện nay còn phân tán, hợp tác tập thể còn rất hạn chế ở cấp nông hộ và sự gắn kết theo chiều dọc còn yếu. Những hạn chế này đã gây cản trở cho các nhà đầu tư tư nhân vào ngành nông nghiệp vì chi phí cao.
Chưa đến 2% giá trị vốn trực tiếp của doanh nghiệp nước ngoài được đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây là một tỷ lệ rất nhỏ và không mang lại nhiều giá trị gia tăng. Các nhà đầu tư chỉ đơn thuần mua nguyên liệu thô từ nông dân, sau đó sơ chế và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, nơi sản phẩm được hoàn thiện và bán với giá cao hơn nhiều lần. Cho đến nay, nông dân vẫn là những nhà đầu tư tư nhân lớn nhất trong nông nghiệp và phần lớn trong số họ chưa tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam được nêu rõ trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó tái xác lập mục tiêu về "bộ ba cốt lõi" để phát triển bền vững, là bước đi đúng đắn. Từ đây đã thấy những cơ hội lớn, nhưng nông nghiệp Việt Nam cần xử lý được nhiều vấn đề còn tồn tại.
Thứ nhất, phải thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả và công bằng trên thị trường nông sản. Chính phủ cần tăng cường đầu tư vào nông nghiệp nhằm tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đầu tư vào lĩnh vực này. Để làm được điều này, cần có chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rõ ràng và có mục tiêu cụ thể, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp và gia nhập thị trường nông sản.
Phải hỗ trợ phát triển mối liên kết giữa đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân địa phương, tạo niềm tin để nhà đầu tư duy trì và mở rộng hoạt động. Cũng cần có biện pháp để giảm chi phí thương mại. Khả năng này sẽ không xảy ra một khi thị trường vẫn bị phân đoạn do thuế quan, hàng rào phi thuế quan, thủ tục còn chưa tạo thuận lợi cho thương mại.
Thứ hai, chính sách tín dụng nên chuyển từ hỗ trợ nông nghiệp trực tiếp sang cải thiện khả năng tiếp cận vốn của nhà đầu tư tư nhân với các công cụ quản lý rủi ro, nhất là tạo khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Các chính sách và đầu tư công được thiết kế để hoàn thiện thể chế và cơ sở hạ tầng thị trường, ví dụ như nâng cao tính hiệu quả của các công trình thủy lợi, đảm bảo quyền sử dụng đất, thị trường đất nông nghiệp, thiết lập và thực thi các tiêu chuẩn hàng hóa. Những biện pháp này có thể mang lại kết quả tích cực hơn cho tăng trưởng.
Thứ tư, liên kết nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp để phát triển liên minh sản xuất, từ đó tăng cường chuỗi giá trị hàng hóa. Chìa khóa thành công cho sự liên kết này bao gồm phối hợp hiệu quả trong các tổ chức của nông dân, khả năng cạnh tranh tổng thể của đối tác doanh nghiệp, các yếu tố kỹ thuật, thị trường, và chính sách khuyến khích để thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ của tổ chức nông dân với doanh nghiệp.
Thứ năm, công nghệ mới đang hình thành cách thức tổ chức chuỗi giá trị nông nghiệp, tạo ra những cơ hội mới và một số rủi ro. Công nghệ mới nổi từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những tiến bộ trong khoa học như năng lượng tái tạo và cấu trúc gene, tất cả đều mang đến cơ hội cho ngành nông nghiệp.
Việc sử dụng công nghệ cảm biến nước thông minh giúp ứng phó với biến đổi khí hậu đang được quảng bá tại đồng bằng sông Cửu Long là bước đầu tiên hướng tới lợi ích từ tự động hóa. Điều quan trọng là Việt Nam không bỏ lỡ những cơ hội này để chuyển đổi ngành nông nghiệp trở nên hiện đại hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn về môi trường và xã hội.
Sự cam kết của Ngân hàng Thế giới trong việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững là rất mạnh mẽ. Ngân hàng Thế giới đã có kế hoạch gặp gỡ và hợp tác với các bộ, ngành trung ương để phân tích sâu hơn về sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp tối đa hóa nguồn tài chính cho phát triển nông nghiệp.