Làm gì để FDI “đổ” vào nông nghiệp nhiều hơn?
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vai trò rất quan trọng, nhất là bổ sung nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp và nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng.
Tuy nhiên, hiện vốn FDI vào nông nghiệp rất ít ỏi, chưa quá 1% tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này.
Vậy ngành nông nghiệp cần làm gì để thu hút FDI?
FDI nhỏ giọt
Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 2/2018, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp là 3,5 triệu USD với 514 dự án. Nếu so với tổng vốn đầu tư luỹ kế vào ngành nông nghiệp thì số vốn này chỉ chiếm khoảng 1%.
Nhìn lại những giai đoạn đầu tư trước đó, vốn FDI vào nông nghiệp cũng rất ít ỏi, không vượt quá 1% tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này, thậm chí có năm chỉ đạt 0,4%. Cụ thể, năm 2014 vốn FDI vào nông nghiệp là 0,5%, năm 2015 là 1%, năm 2016 là 0,4% và năm 2017 là 1,1%.
Đi cùng với dòng vốn đầu tư FDI ít là những dự án đầu tư FDI nhỏ lẻ, tập trung vào chế biến thuỷ sản, hoa quả tại một số địa phương. Chưa có “đại gia ngoại” nào dám bỏ vốn vào các dự án đầu tư công nghệ cao, hữu cơ quy mô lớn tại Việt Nam.
Được biết, Chính phủ rất kỳ vọng vào nông nghiệp xanh, sạch để làm động lực thúc đẩy tăng trưởng tương tự như các ngành chế tạo - chế biến. Tuy nhiên, đến nay, ngành nông nghiệp xếp thứ 12 về số dự án và đứng thứ 10 về số vốn đầu tư trong tất cả các ngành.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, cho biết: Mặc dù trong thời gian gần đây, thu hút FDI vào ngành nông nghiệp có sự cải thiện, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đi sau doanh nghiệp trong nước.
Trên thực tế, đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều rủi ro vì bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thời tiết, thiên tai, dịch bệnh. Do đó, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước khá dè dặt khi đầu tư vào lĩnh vực này nếu như doanh nghiệp không có thế mạnh về công nghệ và nguồn vốn không đủ lớn.
Chia sẻ rõ hơn về nguyên nhân khiến dòng vốn ngoại chưa đổ mạnh vào ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty CP Sunstar Lacto Việt Nam, chia sẻ: Tiềm năng nông nghiệp ở Việt Nam rất lớn nhưng mới dừng lại ở các chủ trương, đường lối kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn. Thêm nữa, tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất thấp. Đồng thời, kinh doanh trong lĩnh vực này lại gặp nhiều rủi ro do phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục đầu tư nước ngoài, nguyên nhân khiến ngành nông nghiệp khó thu hút dòng vốn FDI là do tiềm năng lớn, nhưng vẫn dừng lại ở mức manh mún và nhỏ lẻ.
Sớm gỡ “nút thắt”
Theo ý kiến của một số chuyên gia, “nút thắt” của ngành nông nghiệp sẽ được gỡ nếu những chính sách về thuế, đất đai và vốn có sự thay đổi.
Đề xuất một trong những phương án có thể giúp doanh nghiệp FDI dễ dàng quyết định đầu tư vào ngành nông nghiệp hơn, đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đề nghị, khó khăn lớn nhất khi đầu tư vào nông nghiệp là đảm bảo quỹ đất. Song hiện nay, quỹ đất nông nghiệp và các thủ tục liên quan khá phức tạp. Nếu lãnh đạo địa phương quan tâm và có kế hoạch dành hẳn một quỹ đất nông nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp sẽ dễ dàng quyết định đầu tư vào ngành nông nghiệp hơn.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, luật và các văn bản dưới luật nhằm thu hút vốn đầu tư xã hội, vốn đầu tư FDI, cụ thể như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (giai đoạn 2008-2013), Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhưng hầu như các chính sách này vẫn chưa trở thành đòn bẩy, thiếu những chính sách đặc thù, chiến lược, định hướng rõ ràng cho việc thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh. Việc thu hút dòng vốn FDI vào nông nghiệp vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như cơ sở hạ tầng, tích tụ đất đai, nguồn nhân lực, nguồn cung cấp nguyên liệu, quy mô sản xuất...
Để đẩy mạnh thu hút FDI vào nông nghiệp, trước hết cần nâng cao tính minh bạch của hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp và phải tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào ngành nông nghiệp. Thực hiện đầy đủ các cam kết của Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế. Hướng đến cho tích tụ đất đai cũng như các chính sách đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong nông nghiệp, ban hành các chính sách ưu đãi, nhất là cơ chế hỗ trợ đủ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài như: miễn giảm thuế, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, hỗ trợ đầu tư xây dựng cánh đồng lớn, khu nguyên liệu tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Tập trung thu hút vốn FDI vào một số lĩnh vực mà Việt Nam cần như: Phát triển giống cây trồng - vật nuôi, phát triển công nghiệp phụ trợ tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp, chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, sản xuất thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Cần có nguồn vốn lớn, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch từ nhà đầu tư nước ngoài để tạo cú huých nhằm tăng năng lực cạnh tranh của ngành, tiếp cận thị trường quốc tế lớn hơn, tạo năng suất và giá trị cao, đóng góp vào GDP và thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyển đổi từ lượng sang chất
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh thu hút vốn FDI ngày càng gay gắt, việc thu hút FDI thời gian tới được Việt Nam xác định phải chuyển đổi theo hướng từ thu hút số lượng sang chất lượng.
“Việt Nam hướng tới thu hút công nghệ cao, thân thiện với môi trường và chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao”, ông Thắng nói.
Để nâng cao hiệu quả năng suất lao động từ khu vực doanh nghiệp FDI, TS. Lê Văn Hùng (Viện Kinh tế Việt Nam) khuyến nghị, Việt Nam cần chú ý tới chất lượng của dòng vốn FDI thu hút thay vì số lượng. Trong giai đoạn tới, thu hút vốn FDI cần gắn chặt với chiến lược phát triển quốc gia, chỉ tập trung ưu tiên thu hút một số ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh theo từng vùng, đặc biệt ưu tiên doanh nghiệp chế biến sâu, công nghệ cao, năng lượng mới để tạo hiệu ứng lan tỏa lớn đối với nền kinh tế trong dài hạn.
Chính phủ đã yêu cầu sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển đổi từ lúa sang các loại cây khác, nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất. Hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng...
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng các tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp và tiêu chí nông nghiệp sạch; yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động để cho vay đối với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất ưu đãi, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện chương trình.
Về phía các doanh nghiệp, trong vài năm gần đây, nhận biết được xu thế cùng với sự chuyển đổi chính sách đối với phát triển nông nghiệp, các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các công ty, tập đoàn lớn, đã đón bắt cơ hội đầu tư vào nông nghiệp với những dự án quy mô trung bình và lớn, nhiều dự án số vốn đến hàng nghìn tỷ đồng, nhiều cánh đồng mẫu lớn đang hình thành, phát triển.
Hoàng Anh Gia Lai là một trong những tập đoàn đi tiên phong trong đầu tư vào nông nghiệp với bao thăng trầm. Vingroup, Hòa Phát, Pan Group, TH True Milk, FPT... bước đầu gạt hái thành công trong đầu tư vào nông nghiệp.
Cơ hội đã đến?
Về hành lang pháp lý, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014 và hệ thống văn bản liên quan đã giảm đáng kể những khác biệt giữa nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước; hành lang pháp lý minh bạch hơn, thông thoáng hơn đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp, trong đó có nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài. Các chính sách tháo gỡ cho đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp, mở rộng hạn điền, phát triển nông nghiệp mô hình chuỗi giá trị hàng hóa... đang bước đầu phát huy hiệu quả, tạo động lực cho thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp.
Qua 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đã thông hiểu phong tục tập quán, con người, môi trường, chính sách thu hút đầu tư... cộng với lợi thế về vốn và công nghệ, năng lực quản lý, thương hiệu và thị trường chính là những thuận lợi rất lớn.
Những doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI tiên phong trong đầu tư vào nông nghiệp đã và đang gặt hái thành công chính là tấm gương và kinh nghiệm tốt cho các nhà đầu tư trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có ý định đầu tư vào nông nghiệp. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc... đã nhiều năm khảo sát, nghiên cứu, thử nghiệm và đầu tư một số dự án... liệu đã đủ điều kiện chín muồi để tăng tốc đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam?
Với quyết tâm của Chính phủ kiến tạo và phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, nắm bắt những cơ hội và lợi thế, khắc phục những khó khăn và thách thức, tin rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp sẽ khởi sắc thời gian tới.