Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017

PV.

Để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng cả năm 6,7%, trong những tháng cuối năm cần sự nỗ lực phấn đấu, vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty và người dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu  sự nỗ lực phấn đấu, vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Nguồn: chinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sự nỗ lực phấn đấu, vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Nguồn: chinhphu.vn

Sáng 12/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhằm rà soát lại kế hoạch năm 2017, đề ra các biện pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra, trong đó tập trung vào mục tiêu tăng trưởng GDP. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chỉ tiêu GDP liên quan đến việc làm, tích lũy, nợ công và nhiều lĩnh vực quan trọng khác. Do đó, phải có những giải pháp, quyết tâm, những đột phá, quyết liệt hơn ở các cấp, các ngành, các địa phương, các tập đoàn, tổng công ty lớn để đóng góp cho tăng trưởng.

Thực tế cho thấy, để hoàn thành kế hoạch cả năm là tăng trưởng 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải đạt 7,42% - đây là mức cao và việc đạt được không phải dễ dàng. Trong khi đó, mới đây, dự báo của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng của kinh tế Việt Nam cũng tương đối khiêm tốn. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2017 xuống 6,3%. Trước đó, hồi tháng 5, IMF dự đoán Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% vào cuối năm nay - mức tăng trưởng dẫn đầu cả châu lục.

Hay trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo mức tăng trưởng năm 2017 của Việt Nam đạt mức 6,3%. Đây được coi là mức thấp hơn nhiều so với các dự báo của các chuyên gia trong nước thời gian qua, khi phần lớn dự báo tăng trưởng khoảng từ 6,4% đến 6,5% trở lên. Tuy nhiên, WB cho rằng, đây là mức tăng cao và tốt so với kinh tế toàn cầu. Giai đoạn 2018 - 2019, tăng trưởng dự kiến của Việt Nam được nâng lên là 6,4% cùng với ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong bối cảnh đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, Thủ tướng Chính phủ cho rằng nhiệm vụ trước mắt còn rất nặng nề, cần nêu cao quyết tâm chính trị để hoàn thành xuất sắc, toàn diện cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, đặc biệt phải tổ chức thực hiện tốt, thường xuyên, liên tục đôn đốc, kiểm tra, nâng cao trách nhiệm cá nhân trong điều hành, quản lý.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ trong điều hành các công cụ tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư, bảo đảm kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời. Ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu trong điều hành kinh tế xã hội hiện nay. Thủ tướng cho biết trong thời gian tới, sẽ tổ chức một số cuộc họp chuyên đề để giải quyết một số vấn đề nêu ra hôm nay, nhất là vấn đề thuế, phí của một số ngành sản xuất, quỹ xúc tiến du lịch, thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm…

Thủ tướng cũng nhất trí các giải pháp về tăng tiêu dùng hộ gia đình bằng kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo niềm tin thị trường, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng tiêu dùng, nâng cao chất lượng hàng nội địa, giảm khó khăn, rủi ro trong sản xuất kinh doanh. Tăng đầu tư cho sản xuất kinh doanh, giảm chi phí doanh nghiệp, hỗ trợ kịp thời cho sản xuất, nhất là phí, thuế, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại… Đổi mới, tháo gỡ các cơ chế quản lý trói buộc sự phát triển, nhất là thể chế. Đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong những tháng còn lại của năm, đặc biệt là cổ phần hóa, thoái vốn.

Thủ tướng yêu cầu quản lý tốt thu ngân sách, tiết kiệm chi. Tăng xuất khẩu (vượt mức 205 tỷ USD trong năm 2017). Tăng cường xuất khẩu dịch vụ tại chỗ, đặc biệt là du lịch. Tập trung chỉ đạo đối với các mặt hàng trọng điểm, thị trường trọng điểm, giảm kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất khẩu. Có biện pháp giảm nhập khẩu, nhất là có hàng rào kỹ thuật cần thiết, đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh sản xuất hàng trong nước chất lượng tốt để thay thế hàng nhập khẩu. Quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại để có môi trường kinh doanh tốt hơn cho sản phẩm trong nước. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư là vô cùng quan trọng đối với tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư tư nhân, đầu tư FDI để tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 34-35% GDP.