Để ngành lúa gạo phát triển bền vững


Giá lúa liên tục nhảy múa khiến nông dân đứng ngồi không yên, một số sẵn sàng hạ giá so với cọc đã nhận để tránh rủi ro, thuận mua vừa bán và cũng nhằm giữ liên kết với thương lái, doanh nghiệp.

Giá lúa biến động nhưng nhiều nông dân vẫn có lời do trúng mùa. Ảnh: Mộng Toàn
Giá lúa biến động nhưng nhiều nông dân vẫn có lời do trúng mùa. Ảnh: Mộng Toàn

Giá lúa tăng, con dao hai lưỡi

Tại những cánh đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, nhiều diện tích lúa đã chín vàng, nhưng thương lái thì vắng bóng, còn nông dân thì trông đứng trông ngồi. Tình trạng này trái ngược với khung cảnh cách đây không lâu, giá lúa lập đỉnh, người dân cắt lúa đến đâu thương lái mua kết đến đó, ai cũng nghĩ đây sẽ là cơ hội vàng của cây lúa nên mạnh dạn đầu tư. Đùng một cái, giá lúa đảo chiều đi xuống, khiến nhiều nụ cười chưa vang đã tắt.

Nhà canh tác 5 công lúa, vì diện tích nhỏ lẻ nên từ trước giờ, việc bán lúa của gia đình ông Huỳnh Văn Lập, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, đều phụ thuộc vào cò lúa. Năm nay, dù đã chịu giá cọc từ trước nhưng sau khi lúa đã cắt, cò lại xin giảm giá. Ông Lập đành bấm bụng bán giá thấp hơn tiền cọc. 

“Giá lúa lúc đầu bỏ cọc là 9.000 đồng/kg rồi máy vô cắt. Trong vòng có 1 bữa xin bớt 200 đồng/kg, chiều tiếp tục xin bớt 200 đồng nữa, mình cũng cho, vì không có ghe vào mua. Tới cuối cùng, cắt xong thì cò nói ghe lấy không hết, phải sụt giá lại 8.000 đồng/kg, mất 1.000 đồng/kg. Một công năng suất được 800kg, tính ra mất mấy triệu đồng”.

Còn tại Hợp tác xã Tân Long, huyện Vị Thủy, đơn vị hiện có 106 thành viên. Uớc tính mỗi tháng HTX cung cấp khoảng 30 tấn lúa gạo các loại cho các thị trường lớn trong và ngoài tỉnh. Hiện HTX đang thu hoạch với năng suất hơn 7 tấn/ha. Tại khu vực này, giá lúa cũng đang sụt, tại ruộng giá dao động từ 7.800-8.000 đồng/kg. Đó là với giống OM 18, Đài Thơm 8 còn RVT thì 8.400 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc HTX Tân Long, cho hay: “HTX mình rất ổn định, trong diện tích được hỗ trợ, anh em làm bao nhiêu diện tích gạo sạch thì họ sẽ được cộng giá thưởng. Ví dụ làm được 7.800 đồng/kg thì họ có lời rồi đó, nhưng lời với mức độ không nhiều, cộng vô tiền thưởng của HTX từ 500-1.000 đồng/kg, những người nào làm lâu thì họ được 8.700 đồng/kg”, ông Thích cho hay.

So với trước Tết Nguyên đán, trung bình giá lúa giảm từ 900 đồng đến 1.500 đồng/kg tùy loại. Một số thương lái đã đặt cọc từ sớm với giá cao thương lượng với nông dân để điều chỉnh giá. Nếu không đạt thỏa thuận, thương lái sẽ bỏ cọc, nông dân tự tìm mối khác. Còn với nông dân, giá cao khiến nhiều hộ làm liều, thúc phân, xịt thuốc để lúa tăng năng suất trên cùng một đơn vị diện tích. Nhưng lợi đâu chưa thấy, còn hậu quả thì đã hiện rõ.

Ông Nguyễn Văn Thích cho hay: “Trước đây, thương lái, cò tạo ra giá bất ổn, tới hơn 9.000 đồng/kg. Giá lúa cao, người dân bắt đầu đầu tư cho chi phí đầu vào. Thay vì 1ha được 7 tấn thì tăng cường bón phân vô, dưỡng cho lúa tăng năng suất để lấy sản lượng. Bây giờ bị dịch rầy nâu nặng, một số bị cháy khô, một số bị ảnh hưởng giảm năng suất rất nhiều”, ông Thích chia sẻ.

Cần giải pháp an toàn

Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang, vụ Đông xuân 2023-2024, toàn tỉnh xuống giống hơn 74.300ha, sản lượng ước đạt 565.000 tấn. Các giống lúa sử dụng chủ yếu là RVT chiếm 14,19%, Đài Thơm 8 chiếm 55,82%, OM18 chiếm 16,26%,  OM5451 chiếm 6,65%, ST24 chiếm 2,65%, còn lại chiếm 4,43% gồm các giống khác như: ST25, IR50404, Jasmine 85…

Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, thành phố Cần Thơ cho hay, năm nay, tại Hậu Giang doanh nghiệp đang thu mua gần 20.000 tấn lúa với mức giá từ 8.000-8.200 đồng/kg. “Những doanh nghiệp mua 8.500 đồng/kg rất ít. Còn giá hiện tại là 7.500-7.800 đồng/kg tùy theo cánh đồng, tùy theo kênh rạch nữa. Sông sâu thuận lợi thì giá cao một chút, còn vô kinh cùng ngõ cạn quá thì giá giảm, vì tốn thêm chi phí”, bà Huyền chia sẻ.

Trước câu chuyện giá lúa những ngày qua có nhiều biến động, nông dân nhiều địa phương ĐBSCL rơi vào thế khó khi bị thương lái bỏ cọc khi lúa sát ngày cắt khiến nhiều hộ không kịp trở tay. Có người chọn giải pháp an toàn chấp nhận thương lượng giảm giá bởi càng kéo dài càng rủi ro. Bà Huyền nêu quan điểm: “Giá lúa gạo giảm quá nhanh luôn, nhất là trong vào 2 tuần qua. Bây giờ, nông dân cũng đồng hành với doanh nghiệp. Những người đặt giá mua 9.000 đồng/kg trước đây thì nay còn 8.200 đồng/kg hoặc 8.500 đồng/kg, tùy theo thương lượng. Còn những người mua 8.500 đồng/kg thì còn 8.000 đồng/kg. Giá này thì nông dân vẫn có lời mà không bị mất cọc, không bị lúa gục ngã ngoài đồng”.

Cũng theo Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, tình trạng lúa gục ngã ngoài đồng hiện giờ là do nắng hạn quá nước không vô được. Máy cắt không vô chứ doanh nghiệp vẫn có nhu cầu thu mua. Tuy nhiên, do đối tác nước ngoài hạ giá, doanh nghiệp trong nước bắt buộc phải hạ theo. “Thế giới vẫn có nhu cầu nhưng khách hàng nước ngoài biết mình đang vào vụ thu hoạch nên họ đè giá doanh nghiệp Việt. Họ biết doanh nghiệp cần vốn lớn để mua lúa thì phải vay ngân hàng. Nhưng ngân hàng bây giờ buộc phải có hợp đồng xuất khẩu thì mới có giải ngân. Đó là cái khó của những doanh nghiệp như tôi”, bà Huyền cho hay.

Để hài hòa lợi ích giữa các bên, ổn định đầu ra cho cây lúa, bà Huỳnh Thị Bích Huyền cho rằng phải có tiếng nói của Chính phủ. Muốn giữ an toàn, người dân, doanh nghiệp và nhà xuất khẩu phải ngồi lại đàm phán giá phù hợp lên xuống hoặc theo giá thị trường thì không ai bẻ kèo ai hết hoặc tất cả doanh nghiệp triển khai theo giá thị trường.

“Nếu được, phải mời doanh nghiệp cung ứng, ngân hàng và doanh nghiệp xuất khẩu để ngồi trao đổi cách làm mới an toàn cho ngân hàng và an toàn cho doanh nghiệp. Mình cùng nhau kiếm tiền từ nước ngoài chứ không phải cùng nhau kiếm tiền từ nông dân, doanh nghiệp hay nhà xuất khẩu làm rủi ro cho nhau. Có nhà nước hỗ trợ, được người có tiếng nói tham gia vô thì làm mới an toàn cho doanh nghiệp, ngân hàng, người dân”, bà Huyền bày tỏ.

Theo Mộng Toàn/ Báo Hậu Giang