Đề nghị nâng mức dư nợ nguồn vốn tối đa 150% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản
(Tài chính) Đây là nội dung trong công văn của UBND TP. Hà Nội gửi Bộ Tài chính, về việc xem xét nâng mức dư nợ nguồn vốn tối đa 150% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản và phương thức huy động trực tiếp từ nguồn vốn tín dụng của ngân hàng thương mại (NHTM).
Về mức dư nợ các nguồn vốn huy động, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), Nghị định số 123/2004/NĐ- CP của Chính phủ về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội, tổng dư nợ các nguồn vốn huy động cho đầu tư dự án, công trình thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố không vượt quá 100% tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách thành phố theo dự toán Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định hàng năm.
Tổng dư nợ này không bao gồm nguồn vốn huy động đầu tư các dự án theo quy định, vốn đầu tư các dự án từ nguồn bổ sung có mục tiêu không ổn định từ ngân sách trung ương cho ngân sách thành phố (nếu có).
Trước mắt Bộ Tài chính đề nghị, TP. Hà Nội thực hiện huy động vốn đầu tư với mức dư nợ theo quy định nêu trên. Theo Bộ Tài chính, hiện nay Bộ đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật NSNN, trong đó có nội dung sửa đổi về mức dư nợ huy động các nguồn vốn.
Ý kiến về phương thức huy động, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, chính quyền địa phương được phép vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế- xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy định của Luật NSNN và đầu tư vào những dự án có khả năng hoàn vốn tại địa phương.
Về hình thức vay của chính quyền địa phương thực hiện thông qua phát hành, ủy quyền phát hành trái phiếu chính quyền địa phương hoặc vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ Tài chính, đối với hình thức chính quyền địa phương vay vốn của ngân hàng thương mại thì hiện nay chưa có quy định cụ thể.
Bộ Tài chính đề nghị, UBND TP. Hà Nội xem xét tiếp tục huy động vốn theo hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.