Nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành cao nhất dự toán thu ngân sách năm 2016
Trước những khó khăn, thách thức đối với công tác điều hành Ngân sách Nhà nước (NSNN) thời gian qua, ngành Tài chính đã không ngừng nỗ lực theo dõi chặt chẽ tình hình, đánh giá những thách thức phát sinh trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhằm nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2016.
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu
Tại phiên họp thứ 50 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội , Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo về tình hình thực hiện NSNN 6 tháng đầu năm và các giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thành nhiệm vụ NSNN năm 2016. Theo đó, thực hiện thu 6 tháng ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015. Dự toán chi cân đối NSNN là 1.273,2 nghìn tỷ đồng, ước thực hiện chi 6 tháng đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015. Bội chi NSNN năm 2016 Quốc hội quyết định là 254 nghìn tỷ đồng (4,95%GDP), ước thực hiện 6 tháng là 85,6 nghìn tỷ đồng, bằng 33,7% dự toán năm.
Theo đó, nhiều yếu tố không thuận lớn đã và đang ảnh hưởng lớn đến thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2016. Việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ kinh tế- xã hội trong 6 tháng đầu năm chậm, nhất là phân bổ vốn xây dựng cơ bản cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều hành tài chính - ngân sách.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, các tỷ lệ về nợ công, bội chi đều dựa trên tăng trưởng GDP theo kế hoạch là 6,7%, nếu không đạt mục tiêu này, các tỷ lệ về nợ công, bội chi sẽ vượt dự toán đề ra, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách. “Với tình hình hiện nay, tăng trưởng kinh tế đạt 6% là tốt, 6,3 – 6,5% là rất tốt, còn để đạt 6,7% thì rất khó”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Phấn đấu hoàn thành cao nhất dự toán thu ngân sách năm 2016
Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, thách thức, để có thể đạt cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2016, trong đó có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, ngành Tài chính cần nỗ lực hơn nữa, phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, quyết tâm khắc phục khó khăn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành cao nhất dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2016; rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn; mở rộng cơ sở thuế, nhất là đối với lĩnh vực thuế ngoài quốc doanh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, bảo đảm thu đúng, thu đủ các khoản thu phát sinh vào ngân sách nhà nước.
Đồng thời, cần tăng cường quản lý, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, nợ đọng thuế; kiểm tra sau thông quan; giám sát hàng tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, hàng hóa ra, vào các khu chế xuất, kho ngoại quan. Kiểm soát chặt chẽ giá tính thuế hàng nhập khẩu; chính sách miễn, giảm, giãn, hoàn thuế, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, công khai và minh bạch trong xây dựng và thực hiện chính sách thuế. Phó Thủ tướng nêu rõ, việc tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định, chống lãng phí; không để “lợi ích nhóm” tác động vào xây dựng thể chế, chính sách và quản lý, điều hành thu, chi ngân sách nhà nước.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển, kể cả vốn xây dựng cơ bản tập trung, trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia và vốn ODA; thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư công, vốn đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát thị trường, quản lý giá cả. Nâng cao năng lực và chất lượng công tác phân tích, dự báo diễn biến giá cả thị trường, điều hành lạm phát trong phạm vi mục tiêu Quốc hội đã quyết định; thực hiện đồng bộ, kiên quyết các biện pháp nhằm phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về giá, nhất là đối với các mặt hàng quan trọng thiết yếu như: xăng dầu, sắt thép, phân bón, thuốc chữa bệnh, sữa, giá dịch vụ công...; công khai, minh bạch giá xăng dầu, phí BOT...
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Tài chính thực hiện đồng bộ các giải pháp hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế. Tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do. Chủ động đánh giá các tác động của các Hiệp định thương mại tự do đến thu ngân sách nhà nước để chủ động giải pháp điều hành. Bám sát diễn biến tình hình liên quan đến việc nước Anh rút khỏi EU để kịp thời có giải pháp phù hợp về tài chính, ngân sách, quản lý nợ và thị trường vốn.