Để phát huy hiệu quả liên kết vùng trong phát triển kinh tế
Làm thế nào để thực hiện hiệu quả việc liên kết vùng trong tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng là vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách triển khai thực hiện và đã có những kết ban đầu mang lại ban đầu, tuy nhiên để đạt hiệu quả cao trong việc liên kết vùng phát triển kinh tế rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành...
Thực trạng phát triển kinh tế trong liên kết vùng
Liên kết kinh tế vùng là sự liên kết giữa các chủ thể kinh tế khác nhau trong một vùng, dựa trên lợi ích kinh tế là chính, nhằm phát huy lợi thế so sánh, tạo ra tính cạnh tranh kinh tế cao hơn cho một vùng.
Nhận thức rõ vai trò của liên kết vùng trong phát triển kinh tế, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy, triển khai thực hiện nôi dung này. Kết quả ban đầu mang lại với nhiều chuyển biến tích cực.
Các vùng đã từng bước phát huy được tiềm năng, lợi thế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các vùng đạt trên 10%/năm, thu nhập bình quân đầu người trên 12 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo xu thế giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Thu ngân sách hàng năm trên 16%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng đều qua các năm. Tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm dần, tăng dần vốn xã hội hoá đầu tư nhất là vốn đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư tăng cả về số dự án đầu tư và vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, các vùng đã chủ động và từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh. Điển hình là các vùng miền núi, vùng có nhiều khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người… đã chủ động khai thác, phát huy lợi thế về đất và rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là tăng diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn.
Đời sống dân cư trong các vùng liên kết có sự cải thiện mạnh mẽ. Trong những năm qua, Nhà nước đã tập trung tăng cường đầu tư và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội cả nước. Hệ thống giao thông đường bộ, sân bay, bến cảng, hạ tầng viễn thông, thủy lợi, hệ thống trường học, bệnh viện, các công trình văn hóa, thể thao, các trung tâm khoa học - kỹ thuật, tài chính, hệ thống đô thị… đã từng bước được đồng bộ hóa. Cuộc sống của người dân trong các vùng ngày càng được cải thiện và nâng cao. Các chỉ tiêu về tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người có chiều hướng thay đổi tích cực ở tất cả vùng kinh tế - xã hội.
Liên kết đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được đẩy mạnh; Công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch toàn vùng đã được chú ý; Các vấn đề về cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh vùng; xây dựng hệ thống thông tin và trao đổi thông tin kinh tế - xã hội, đầu tư trên địa bàn; hợp tác bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu cũng trở thành nội dung chính trong liên kết vùng.
Bên cạnh những kết quả trên, thực tiễn trong quá trình phát triển liên kết vùng cũng đặt ra một số tồn tại. Điển hình như, đang tồn tại tình trạng tất cả các vùng đều vận dụng mô hình phát triển gần như theo cùng một hướng về cơ cấu kinh tế. Chiến lược phát triển các tỉnh, thành và các vùng đều có những dấu hiệu “thu nhỏ” của quốc gia, nên quy hoạch, kế hoạch chưa làm rõ được tính đặc thù, thế mạnh của mỗi địa phương và liên kết nội vùng.
Mặt khác, chuỗi giá trị sản phẩm liên kết vùng là yếu tố quan trọng đặc biệt để bảo đảm cho liên kết vùng có hiệu quả nhưng lại là khâu yếu nhất trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch liên kết vùng hiện nay. Cách phân vùng kinh tế xã hội còn nhiều mặt hạn chế, chưa phát huy được lợi thế so sánh từng vùng theo chuỗi giá trị sản phẩm, các chuỗi giá trị liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Để phát huy hiệu quả liên kết triển kinh tế vùng
Để phát huy hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, khắc phục những tồn tại, hạn chế khi triển khai liên kết vùng trong tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần tập trung vào các nội dung:
Cần coi quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo vùng là một bộ phận hữu cơ của tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng quốc gia.
Cùng với đó, xây dựng chiến lược liên kết kinh tế vùng trong chiến lược phát triển quốc gia, tạo cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển, đầu tư, quản trị, dịch vụ công, phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ… phù hợp với mỗi vùng và liên vùng có hiệu quả.
Thành lập quỹ phát triển vùng để triển khai đồng bộ các dự án mang tính liên tỉnh, liên vùng. Quỹ phải được hình thành từ các nguồn khác nhau, có đóng góp từ ngân sách Trung ương, các địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn, nguồn vay, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Sớm ban hành chính sách cạnh tranh với các trung tâm kinh tế khu vực và trên thế giới; quy định rõ liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức và tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới, như là địa bàn đột phá trong phát triển kinh tế...