Đề phòng cú sốc tỷ giá ngắn hạn
Theo giới chuyên gia, tỷ giá khó tránh khỏi những đột biến trong ngắn hạn do sự biến động của đồng USD trên thị trường thế giới.
Củng cố đồng nội tệ
Theo HSBC Global Research, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức cao đã hỗ trợ VND duy trì trạng thái tương đối ổn định. Việt Nam đã duy trì thặng dư cán cân thanh toán trong hầu hết các năm trong giai đoạn từ năm 1996 đến nay. Đặc biệt năm 2019 Việt Nam đã có được thặng dư cán cân thanh toán cao kỷ lục là 23 tỷ USD, tương đương khoảng 9% GDP.
Nguyên nhân do, lượng vốn FDI tăng trưởng tích cực đã hỗ trợ cán cân tài chính. Trong khi cán cân vãng lai thặng dư lớn, một phần nhờ thặng dư thương mại ngày càng tăng, trong đó năm 2019 thặng dư thương mại của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 11 tỷ USD. Bên cạnh đó, thặng dư thu nhập thứ cấp gia tăng cũng góp phần củng cố vị thế cán cán vãng lai. Cụ thể, lượng kiều hối chuyển về nước tăng trưởng đều đặn trong hai thập kỷ qua, giúp Việt Nam trở thành nước nhận kiều hối lớn thứ tư Châu Á, với dòng kiều hối trị giá 16,7 tỷ USD (6,4% GDP) trong năm 2019…
“Những nỗ lực của Việt Nam hướng tới vị thế cán cân thanh toán thuận lợi hơn trong vài năm qua đã chuyển thành sự tích lũy nhanh chóng dự trữ ngoại hối”, HSBC đánh giá.
Số thống kê của NHNN Việt Nam cũng cho thấy, cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế thặng dư tới 23,25 tỷ USD trong năm 2019, trong đó cán cân vãng lai thặng dư 13,36 tỷ USD; cán cân tài chính (chủ yếu do đóng góp của đầu tư nước ngoài) thặng dư 18,96 tỷ USD. Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư lớn đã giúp dữ trữ ngoại hối của Việt Nam tăng nhanh trong mấy năm gần đây. Theo công bố mới đây của NHNN, hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên khoảng 84 tỷ USD.
Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, cán cân thanh toán tổng thể năm 2020 sẽ kém thuận lợi hơn so với năm trước. Nguyên nhân do đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn dòng thương mại và đầu tư toàn cầu, trong khi lượng kiều hối chuyển về nước cũng được dự báo sẽ giảm mạnh do thu nhập của người Việt Nam ở nước ngoài sụt giảm vì dịch bệnh. Mặc dù vậy, cán cân thanh toán tổng thể vẫn thặng dư trong những tháng đầu năm và dự báo sẽ duy trì vị thế này trong năm nay. Điều này cộng thêm nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào sẽ là cơ sở vững chắc để củng cố sự ổn định của đồng nội tệ. “VND có thể giảm giá 1,2% so với USD trong năm nay”, HSBC dự báo.
Khó tránh cú sốc
Mặc dù vậy, giới chuyên gia vẫn cảnh báo cần đề phòng các cú sốc tỷ giá trong ngắn hạn do sự biến động bất thường của đồng USD trên thị trường thế giới. “Mặc dù tính liên thông giữa thị trường ngoại hối trong nước với các thị trường tài chính quốc tế là khá yếu, song tỷ giá trong nước khó tránh khỏi những tác động từ bên ngoài. Ngay cả tỷ giá trung tâm mà NHNN công bố hàng ngày một phần cũng được tính toán trên cơ sở giá của đồng USD trên thị trường thế giới”, một chuyên gia cho biết.
Điều đó đã được kiểm chứng qua diễn biến của thị trường ngoại hối những ngày cuối tháng 3 vừa qua. Theo đó, đồng USD trên thị trường thế giới liên tục tăng cao đẩy tỷ giá trong nước cũng bật tăng rất mạnh. Thậm chí trong phiên ngày 23/3, tỷ giá của các ngân hàng tăng tới 120 – 150 đồng/USD. Diễn biến này đã buộc NHNN phải ra tay can thiệp bằng cách giảm mạnh giá bán ra USD và cam kết sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp với mức giá thấp để ổn định tỷ giá.
Vị chuyên gia nói trên cho rằng, những cú sốc như vậy rất có thể sẽ xảy ra trong thời gian tới khi mà thị trường tài chính thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định và biến động của đồng USD cũng rất khó lường do chịu tác động của nhiều yếu tố.
Thứ nhất, đại dịch COVID-19 đã tạm lắng dịu và nhiều quốc gia đang tái khởi động lại nền kinh tế. Tuy nhiên, chừng nào chưa sản xuất được vắc xin phòng ngừa dịch bệnh này, thì nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát vẫn rất lớn.
Thứ hai, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang nóng trở lại, nhất là khi Trung Quốc sắp thông qua dự luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông.
Thứ ba, các NHTW lớn trên thế giới đang mạnh tay nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với dịch bệnh, khiến lãi suất cơ bản tại Mỹ dù đã giảm về sát 0%, nhưng vẫn còn khá cao so với một số nền kinh tế lớn, như Châu Âu, Nhật…
Thứ tư, cuộc khủng hoảng giá dầu vẫn chưa kết thúc, rồi còn bất ổn địa chính trị, nguy cơ Brexit không thỏa thuận… Tất cả những điều đó vẫn đang hỗ trợ cho sức mạnh của đồng bạc xanh và những cú sốc như giai đoạn cuối tháng 3 rất có thể sẽ tái diễn.
“Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu cần quan tâm sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Hiện các ngân hàng đang cung cấp khá đa dạng các công cụ phái sinh như: Mua kỳ hạn, hoán đổi ngoại tệ… để giúp các doah nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro do biến động của tỷ giá”, vị chuyên gia trên khuyến nghị.