Tỷ giá đột ngột đảo chiều giảm vì đâu?
Tỷ giá USD/VND đột ngột giảm mạnh trong phiên cuối tuần trước và tiếp tục duy trì đà giảm đầu tuần này, dù USD trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu thế phục hồi.
Tỷ giá đảo chiều giảm
Những ngày cuối tháng 3, bất chấp việc tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh giảm, giá mua - bán ngoại tệ của các ngân hàng vẫn có xu hướng tăng nhẹ và neo ở mức rất cao. Chốt phiên cuối tháng 3, tỷ giá trung tâm dù được nhà điều hành tăng nhẹ 5 đồng lên 23.235 đồng/USD, song vẫn thấp hơn mức đỉnh ngày 24/3 tới 25 đồng.
Nhưng tỷ giá tại các ngân hàng vẫn tiếp tăng, giá mua vào USD tăng lên quanh 23.550 - 23.560 đồng/USD, trong khi giá bán ra tăng lên quanh 23.720 - 23.730 đồng/USD, chỉ thấp hơn khoảng 10 đồng ở chiều mua và 20 đồng ở chiều bán so với sáng ngày 24/3, thời điểm mà tỷ giá tại các ngân hàng lập đỉnh.
Tuy nhiên, diễn biến thị trường trong những phiên đầu tháng 4 lại hoàn toàn trái ngược khi mà tỷ giá tại các ngân hàng quay đầu giảm mạnh cho dù tỷ giá trung tâm có phiên tăng, nhưng cũng có phiên giảm.
Đơn cử như trong phiên giao dịch cuối tuần trước, mặc dù tỷ giá trung tâm được nhà điều hành điều chỉnh tăng tới 7 đồng lên 23.239 đồng/USD, nhưng các ngân hàng lại giảm mạnh giá mua bán USD, đưa giá mua vào xuống còn phổ biến trong khoảng 23.440 - 23.450 đồng/USD (giảm 80 đồng/USD), còn giá bán ra trong khoảng 23.620 - 23.630 đồng/USD (giảm 100 đồng). Đến cuối giờ chiều, nhiều nhà băng lại tiếp tục giảm mạnh giá mua - bán đồng bạc xanh, đưa giá mua vào về cao nhất chỉ là 23.380 đồng/USD, trong khi giá bán ra cao nhất cũng giảm còn 23.560 đồng/USD.
Bước sang phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 6-7/3), tỷ giá trung tâm được điều chỉnh giảm 9 đồng xuống còn 23.230 đồng/USD, nhiều ngân hàng chưa kịp điều chỉnh tỷ giá trong phiên cuối tuần trước đó cũng tiếp tục giảm về ngang bằng với các đối thủ. Theo đó, hiện giá mua vào USD cao nhất của các nhà băng vẫn là 23.420 đồng/USD, trong khi giá bán ra cao nhất là 23.570 đồng/USD, giảm khoảng 200 đồng so với cuối tháng trước.
Diễn biến này là khá lạ khi mà đồng USD trên thị trường thế giới có xu hướng phục hồi trở lại trong tuần qua. Theo đó, sau khi giảm xuống còn 98,36 điểm trong phiên ngày 27/3, chỉ số USD đã đảo chiều tăng liên tục và một lần nữa chinh phục thành công ngưỡng 100 điểm trong phiên cuối tuần trước. Đà tăng của đồng bạc xanh vẫn tiếp nối trong phiên đầu tuần. Hiện chỉ số USD đang xoay quanh 100,7 điểm.
Khi tâm lý được giải tỏa
Vậy nguyên nhân nào khiến tỷ giá thực lại đảo chiều đột ngột như vậy? Chắc chắn không phải do nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế tăng đột biến, bởi số liệu kinh tế quý I đã được Tổng cục Thống kê công bố ngay từ ngày 27/3 với những con số xuất khẩu, giải ngân vốn FDI, ODA… không mấy khả quan. Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, kể từ khi phát tín hiệu điều hành đến nay, Ngân hàng Nhà nước không có bất kỳ hoạt động mua bán ngoại tệ nào.
Hơn nữa, trên thị trường chứng khoán vẫn liên tục chứng kiến động thái bán ròng của khối ngoại. Ngay cả trong phiên thị trường đảo chiều phục hồi mạnh cuối tuần trước, Công ty chứng khoán MBS cho biết, khối ngoại vẫn bán ròng tới gần 500 tỷ đồng.
Theo một chuyên gia ngân hàng, việc tỷ giá đảo chiều giảm mạnh là do tâm lý lo ngại của người dân đã được giải tỏa phần nào khi mà tình hình dịch bệnh trong nước đã có những chuyển biến hết sức tích cực, số ca nhiễm mới liên tục giảm, trong khi số ca khỏi bệnh tăng nhanh. “Việc tỷ giá trên thị trường tăng cao trong những phiên cuối tháng 3 một phần cũng xuất phát từ tâm lý lo ngại dịch bệnh khiến nhiều người dân tăng cường mua vào USD để phòng ngừa rủi ro. Nay khi tâm lý lo ngại đó đã được giải tỏa phần nào khiến nhu cầu mua tích trữ cũng không còn”, vị chuyên gia trên cho biết.
Bên cạnh đó, hiện mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn đang ở mức khá cao, chênh lệch đáng kể so với lãi suất tiết kiệm USD (hiện đang là 0%) nên cũng phần nào làm giảm sức hấp dẫn của việc nắm giữ USD.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hiện nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế vẫn rất dồi dào, cộng thêm nguồn dự trữ ngoại tệ lớn và cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt như hiện tại, tỷ giá sẽ ổn định.
Trong một báo cáo phân tích về vấn đề tỷ giá, Công ty chứng khoán MBS cũng nhận định: “Từ nay đến hết năm 2020, tỷ giá VND/USD có thể giữ ổn định với các yếu tố cơ bản đều thuận lợi. Xu hướng chung vẫn là VND sẽ giảm giá so với USD và có những thời điểm mức giảm có thể trên 3% so với đầu năm. Tuy nhiên, vào cuối năm với mức độ điều chỉnh sẽ chỉ khoảng 2%/năm do các yếu tố hỗ trợ sức mạnh của USD sẽ suy giảm”.