Góc nhìn của nhà đầu tư ngoại về thị trường chứng khoán Việt Nam

Tuấn Thủy

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt giới đầu tư toàn cầu nhờ hiệu suất vượt trội, nền tảng vĩ mô tích cực và kỳ vọng nâng hạng thị trường ngày càng rõ nét.

Dòng vốn ngoại quay trở lại mạnh mẽ là tín hiệu cho thấy niềm tin dài hạn đang được khơi thông.
Dòng vốn ngoại quay trở lại mạnh mẽ là tín hiệu cho thấy niềm tin dài hạn đang được khơi thông.
 

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, với chỉ số VN-Index tăng gần 30% từ vùng đáy tháng 4 và hiện tiến sát mốc 1.500 điểm.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục bứt phá, chạm gần vùng đỉnh lịch sử, nhiều nhà đầu tư, chuyên gia quốc tế đang có cái nhìn tích cực hơn bao giờ hết về triển vọng nâng hạng và sức hấp dẫn của thị trường.

Cuộc đối thoại giữa các chuyên gia từ SSI và đại diện nhà đầu tư tổ chức Thái Lan trong chương trình Cafe cùng Chứng ngày 15/7 đã hé lộ góc nhìn quốc tế sắc sảo, củng cố thêm niềm tin vào tương lai tăng trưởng của chứng khoán Việt Nam.

Sức hút từ hiệu suất và vĩ mô vượt trội

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, với chỉ số VN-Index tăng gần 30% từ vùng đáy tháng 4 và hiện tiến sát mốc 1.500 điểm. Dù vậy, theo bà Phạm Huyền Trang – Giám đốc Sản phẩm đầu tư, Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), mức định giá hiện tại vẫn hấp dẫn khi P/E trung bình toàn thị trường chỉ quanh 14 lần, thấp hơn đáng kể so với đỉnh 1.528 điểm vào đầu năm 2022.

“Dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại rất mạnh trong tháng 7, với giá trị mua ròng hơn 10.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu Ngân hàng và Chứng khoán. Đây là minh chứng rõ nét cho sự hồi phục niềm tin và triển vọng dài hạn tích cực của thị trường”, bà Trang nhấn mạnh.

Bà Trang cũng cho rằng, đà tăng hiện nay không chỉ đến từ yếu tố dòng tiền, mà còn là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố vĩ mô thuận lợi như tăng trưởng GDP mạnh mẽ, kỳ vọng cải thiện môi trường đầu tư và sự dẫn dắt của các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt.

Từ phía nhà đầu tư quốc tế, bà Kanyawaroth Dhadasih - Giám đốc Sản phẩm đầu tư toàn cầu của Finansia Syrus Securities (Thái Lan) nhấn mạnh, VN-Index hiện đang dẫn đầu khu vực về hiệu suất, tăng hơn 16% tính từ đầu năm, vượt xa mức tăng chỉ 2% của Thái Lan. Thêm vào đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo đạt khoảng 6% trong năm nay, cao gấp ba lần so với Thái Lan.

Theo bà Kanyawaroth Dhadasih, bên cạnh yếu tố tăng trưởng kinh tế và hiệu suất thị trường, triển vọng nâng hạng của Việt Nam lên thị trường mới nổi là điểm thu hút dòng vốn lớn nhất. Một khi được nâng hạng, Việt Nam sẽ có cơ hội lọt vào rổ chỉ số của các quỹ ETF toàn cầu, từ đó thu hút vốn từ cả nhà đầu tư chủ động và thụ động.

Việc Việt Nam cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là thông qua hệ thống giao dịch KRX mới, cũng được bà đánh giá là bước tiến lớn. Khi đi vào vận hành đầy đủ, KRX sẽ hỗ trợ các sản phẩm tài chính hiện đại như hợp đồng tương lai, quyền chọn, giao dịch T+0, bán khống... tiệm cận với chuẩn mực các thị trường phát triển.

“Hiện tại, vẫn còn nhiều rào cản khiến nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khi tiếp cận thị trường Việt Nam, nhưng tôi tin rằng quá trình nâng hạng sẽ tháo gỡ phần lớn trong số đó”, bà Kanyawaroth Dhadasih chia sẻ.

Kỳ vọng nâng hạng và làn sóng đầu tư dài hạn

Một yếu tố then chốt giúp thị trường Việt Nam ghi điểm với giới đầu tư toàn cầu là kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ rà soát sắp tới. Theo bà Kanyawaroth Dhadasih, nâng hạng sẽ là bước ngoặt chiến lược khi giúp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, đồng thời mở cửa cho dòng vốn khổng lồ từ các quỹ ETF và quỹ chủ động trên toàn cầu.

“Hiện nhà đầu tư nước ngoài vẫn gặp một số rào cản nhất định như giới hạn sở hữu, cơ chế chuyển tiền hay hạ tầng giao dịch. Tuy nhiên, nếu Việt Nam được nâng hạng, các rào cản này sẽ dần được tháo gỡ, đồng thời hệ thống KRX mới sẽ giúp chuẩn hóa hạ tầng, hỗ trợ các sản phẩm như giao dịch T+0, bán khống, hợp đồng tương lai, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế”, bà Kanyawaroth Dhadasih phân tích.

Bên cạnh đó, hành vi đầu tư của nhà đầu tư Thái Lan cũng cho thấy sự quan tâm nghiêm túc và dài hạn với thị trường Việt Nam. Theo bà Kanyawaroth Dhadasih, phần lớn nhà đầu tư Thái đầu tư với tầm nhìn từ 3 năm trở lên.

Nhà đầu tư thường bắt đầu với các quỹ mở do công ty quản lý Thái Lan phân phối, sau đó chuyển sang đầu tư trực tiếp cổ phiếu large-cap tại Việt Nam khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm. Nếu gặp khó khăn về hiệu suất, họ quay lại lựa chọn các quỹ do công ty quản lý quỹ Việt Nam điều hành – nơi có hiểu biết sâu và chiến lược rõ ràng.

Cũng theo bà Kanyawaroth Dhadasih, khi chọn lựa quỹ đầu tư, nhà đầu tư Thái đặc biệt quan tâm đến hiệu suất dài hạn, khả năng vượt chỉ số tham chiếu, mức độ phòng thủ trong thời kỳ biến động, tính đa dạng hóa danh mục và cuối cùng là trải nghiệm đầu tư đơn giản, dễ tiếp cận.

Tổng hòa các yếu tố trên cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước thời điểm “vàng” để đón làn sóng vốn toàn cầu. Khi những cải cách về thể chế, công nghệ và minh bạch hóa thị trường được đẩy mạnh, triển vọng thu hút dòng vốn ngoại không còn là câu hỏi “liệu có”, mà là “khi nào”.

Nhà đầu tư Thái thường lựa chọn quỹ dựa trên 4 yếu tố chính: Hiệu suất đầu tư dài hạn; khả năng trụ vững qua giai đoạn thị trường biến động; chiến lược phân bổ danh mục hiệu quả; và cuối cùng là trải nghiệm đầu tư đơn giản, thuận tiện.

"Từ mở tài khoản đến mua - bán quỹ, mọi thứ cần phải trơn tru. Nếu quy trình quá rườm rà, nhà đầu tư sẽ dễ dàng từ bỏ”, bà Kanyawaroth Dhadasih nhấn mạnh.