Để tiến độ dự án đúng hẹn!

Theo daibieunhandan.vn

Sau chuyến khảo sát “xuyên Tết, xuyên Việt”, kiểm tra công tác thi công các dự án cao tốc từ Khánh Hòa tới Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng nghị định về vấn đề thưởng phạt thi công hợp đồng, để ban hành trong thời gian sớm nhất.

Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn được tỉnh Đồng Nai xây dựng để tái định cư phục vụ Dự án Sân bay Long Thành. Ảnh: Công Phong/TTXVN
Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn được tỉnh Đồng Nai xây dựng để tái định cư phục vụ Dự án Sân bay Long Thành. Ảnh: Công Phong/TTXVN

Việc ban hành nghị định về thưởng phạt thi công hợp đồng ở thời điểm này có thể là hơi muộn. Nhưng muộn còn hơn không. Bởi thực tế cho thấy, có những dự án khi bắt tay vào thi công thời gian bị kéo dài, có dự án bị rơi vào tình trạng lỡ hẹn về đích nhiều lần. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đội giá, gây lãng phí nguồn lực. Hậu quả ai cũng nhìn thấy, nhưng chúng ta chưa xử lý “mạnh tay” với những chủ đầu tư chậm trễ, kéo dài thi công dự án chỉ vì chưa có hành lang pháp lý với chế tài đủ mạnh đối với trường hợp này.  

Hạ tầng giao thông có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của bất kỳ quốc gia nào. Kinh tế chỉ phát triển được khi hạ tầng giao thông được bảo đảm thông suốt, thuận lợi. Quan trọng là vậy, nhưng trong 20 năm qua, chúng ta chỉ mới triển khai được 1.000 km đường cao tốc. Con số này cho thấy, cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam vẫn còn ở mức “khiêm tốn”.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án bị kéo dài trong đó có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nhìn từ thực tế triển khai, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nhận định, thời gian qua, trong quá trình thi công, nhiều chủ mỏ “găm” vật liệu trong lúc chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc, khiến cản trở tiến độ, nâng giá, gây cạnh tranh không lành mạnh và nảy sinh nhiều tiêu cực, tạo nguy cơ "mất tiền, mất thời gian, mất cán bộ". Quy trình, thủ tục có đúng không, không đúng thì phải thu hồi. Quy trình, thủ tục đúng nhưng làm không đúng thì phải xử lý. Quy trình, thủ tục đúng, làm đúng nhưng giá vật liệu cao, không hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước và nhân dân thì phải điều chỉnh. Các cơ quan phải nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có biện pháp phù hợp tình hình – Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.

Ngoài ra còn có một nguyên nhân khác nữa, đó là năng lực của nhà thầu. Như đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính: một nhà thầu thi công 3km, 4km mà làm trong 2 năm, 3 năm, tức là nhà thầu không đủ năng lực.

Nhà thầu không đủ năng lực thì phải thay, đương nhiên là vậy. Nhưng việc xử lý tình trạng “nửa đường đứt gánh” chỉ nên xem là một biện pháp cuối cùng, bởi để xảy ra tình trạng này cũng đồng nghĩa với việc tiến độ dự án bị chậm, gây lãng phí nguồn lực.

Trong chuyến công tác kiểm tra, đôn đốc thi công các công trình trọng điểm ngành giao thông vận tải để nắm tình hình triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại tỉnh Đồng Nai  trong ngày cuối cùng của đợt nghỉ Tết Nhâm Dần, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính không hài lòng và phê bình cách làm việc của một số cơ quan, đơn vị liên quan thời gian qua.

Người đứng đầu Chính phủ không hài lòng bởi theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội, sân bay Long Thành phải đưa vào sử dụng trong năm 2025 nhưng đến nay, giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong, nơi làm việc của Ban Quản lý dự án còn tạm bợ. Từ thực tế này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, đơn vị bàn rõ việc, rõ trách nhiệm, chậm ở khâu nào, ai chịu trách nhiệm, ai làm được thì quyết tâm, ra sức thực hiện; ai không làm được thì đứng ra một bên cho người khác làm.

Trong Nghị quyết số: 29/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Quốc hội yêu cầu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, sớm hoàn thành đưa các công trình đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả thực tế. Tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài.

Dự án kéo dài cũng đồng nghĩa với việc nguồn lực đầu tư bị lãng phí, đó cũng là một phần đóng góp từ tiền thuế của người dân. Do vậy, ngoài việc “ai không làm được thì đứng ra một bên cho người khác làm”, rất cần chế tài đủ mạnh để xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị dẫn đến sự chậm trễ thi công dự án.

Muốn vậy, cần có những quy định pháp lý ở tầm nghị định để có căn cứ xử ý nghiêm trường hợp này. Điều này hoàn toàn trong tầm tay của Chính phủ. Có như vậy, mới chấm dứt tình trạng dự án “lỡ hẹn” về đích như đã từng xảy ra.

Nghị quyết số: 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Quốc hội nêu rõ, bố trí 65.795,847 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để tiếp tục thực hiện 3 dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư: Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 1) và Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.