Đầu tư công, xuất khẩu, FDI sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2022
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam sẽ đạt mức 6,3% trong kịch bản cơ sở dịch COVID-19 vẫn được kiểm soát tương đối tốt nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine Việt Nam ở mức cao, các hoạt động kinh tế - xã hội bình thường trở lại.
Dự báo GDP năm 2022 tăng trưởng 6,3%
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế vĩ mô 2022 mới phát hành, các chuyên gia KBSV kỳ vọng, dịch COVID-19 vẫn được kiểm soát tương đối tốt ở Việt Nam nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine Việt Nam ở mức cao (cụ thể, tính đến 31/12/2021 tỷ lệ bao phủ 1 liều vaccine đạt 79% và tỷ lệ bao phủ đủ liều vaccine cơ bản đạt 66%, cao hơn mức mục tiêu mà Tổ chức Y tế Thế giới đề ra hết năm 2021 - 40% dân số của mỗi quốc gia được tiêm vaccine).
Do vậy, hoạt động dịch vụ, du lịch, lưu trú được kỳ vọng sẽ hồi phục, tuy chưa thể như thời điểm trước dịch, và việc mở cửa cho các đường bay quốc tế cũng sẽ giới hạn trọng nhóm các quốc gia kiểm soát tốt dịch.
Bên cạnh đó, gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thực hiện trong 2022 - 2023 quy mô 350.000 tỷ đồng được Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp bất thường lần 1 Quốc hội khóa XV sẽ là “bước đệm” phục hồi trong giai đoạn tới, đã được thông qua nhờ các yếu tố, bao gồm nợ công/GDP đạt 44% - hiện đang ở mức thấp; Thu ngân sách nhà nước năm 2021 ở mức cao, đạt 1.563 nghìn tỷ đồng vượt, 16,4% so với dự toán.
Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 (%) |
Với kịch bản cơ sở như trên, các chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam đạt 6,3%. Trong đó, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm: tiêu dùng nội địa và hoạt động sản xuất chế biến chế tạo hồi phục, xuất khẩu tiếp tục được hưởng lợi nhờ lộ trình tham gia các hiệp định FTAs, nhu cầu tiêu dùng thế giới phục hồi sau dịch bệnh và chi phí vận tải hạ nhiệt; sự quay lại của dòng vốn FDI.
Đầu tư công được kì vọng là động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Theo Báo cáo của Chính phủ, số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước dự kiến cân đối được trong năm 2022 là 526 nghìn tỷ đồng (tăng 10,2% so với kế hoạch năm 2021) và Chính phủ đặt mục tiêu tỷ lệ giải ngân thực tế/kế hoạch đạt trên 90%, do đó KBSV kỳ vọng Chính phủ sẽ có các phương án đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công trong năm 2022.
Tiến độ giải ngân đầu tư công (tỷ đồng) |
Thúc đẩy đầu tư công là phương án khả thi và nhanh nhất để hỗ trợ kinh tế sớm phục hồi. Tổng cục thống kê ước tính, nếu đầu tư công tăng thêm 1% so với năm ngoái thì GDP sẽ tăng thêm 0.058%. Mặt khác, các biện pháp cách ly xã hội được nới lỏng giúp tháo gỡ khó khăn trong việc đi lại, tiến độ triển khai các dự án tồn đọng được cải thiện.
Xuất khẩu tiếp tục duy trì tăng trưởng cho năm 2022
Trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 336,25 tỷ USD, tăng trưởng 19% so với năm 2020. Điểm sáng của bức tranh xuất nhập khẩu là từ cuối tháng 8, cán cân thương mại của Việt Nam đã thặng dư trở lại sau nhiều tháng thâm hụt.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu truyền thống đến các đối tác thương mại lớn đều ghi nhận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Tăng trưởng xuất khẩu năm 2021 theo mặt hàng (%) |
Có thể thấy, động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 bao gồm 4 yếu tố:
Thứ nhất, các nền kinh tế lớn mở cửa trở lại kéo theo đó là sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ khi tỷ lệ bao phủ vaccine đạt mức cao.
Thứ hai, với việc các FTA được ký kết đang dần có hiệu lực (CPTPP, EVFTA, UKFTA, RCEP…), các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang dần nắm bắt được các lợi thế cạnh tranh khi được hưởng lợi từ các mức thuế quan ưu đãi.
Thứ ba, giá hàng hoá xuất khẩu, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam (sắt thép, nông lâm thuỷ sản, gạo…) đang có xu hướng tăng là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Thứ tư, sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất khi các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng khi dịch bệnh dần được kiểm soát, chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 thành công.
Kỳ vọng dòng vốn FDI tiếp tục vào Việt Nam khi dịch bệnh dần được kiểm soát
Dù đợt dịch thứ 4 đã tác động tiêu cực tới triển vọng ngắn hạn của môi trường kinh doanh tại Việt Nam, các nhà phân tích của KBSV cho rằng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được cải thiện và tích cực hơn trong năm 2022 khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các quy định giãn cách xã hội duy trì nới lỏng như hiện tại.
Vốn FDI các năm (triệu USD). |
Xét riêng cho quý IV/2021, giải ngân vốn FDI đạt 6.460 triệu USD, tăng 59,9% so với quý III/2021 và tăng 3,86% so với cùng kỳ năm 2020. Đăng ký FDI mới đạt 9.008 triệu USD, tăng 31% so với quý trước, tăng 23% so với cùng kỳ. Có thể thấy, nhà đầu tư nước ngoài đang rất lạc quan với môi trường kinh doanh và tiếp tục đa dạng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Với kịch bản cơ sở dịch bệnh được kiểm soát tốt, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài sẽ dần được khôi phục khi Việt Nam vẫn đang là điểm đến lý tưởng nhờ các yếu tố thuận lợi nhờ số lượng lớn các hiệp định FDA đã ký kết, vị trí địa lý lý tưởng, cơ cấu dân số trẻ, cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ...
Tốc độ phục hồi tiêu dùng nội địa và sản xuất chậm hơn do đợt đợt dịch lần 4, có thể kìm hãm đà tăng mạnh của GDP năm 2022
Trong các đợt giãn cách xã hội trong quá khứ (lần 1 - tháng 4/2020, lần 2 - tháng 7/2020, và lần 3 - tháng 2/2021, lần 4 - tháng 4/2021), tiêu dùng nội địa và sản xuất đều có sự sụt giảm mạnh trong thời gian giãn cách, sau đó đều ghi nhận hồi phục mạnh ngay, phản ánh sức bật của kinh tế Việt Nam, tuy nhiên tiêu dùng nội địa sau đợt dịch lần thứ 4 có tốc độ phục hồi chậm hơn hẳn do đợt giãn cách lần này có sự ảnh hưởng sâu rộng và kéo dài.
Việc tiêu dùng phục hồi chậm sau làn sóng COVID-19 lần thứ 4 (khác với các đợt dịch trước), KBSV đưa ra đánh giá thận trọng về tốc độ tiêu dùng phục hồi trong 2022.
Bên cạnh đó, mức chi tiêu của người tiêu dùng tại Việt Nam sẽ không thể tăng mạnh mẽ như các nước phương Tây (Châu Phi, Châu Âu, và Mỹ - Latinh), bởi người dân Châu Á nói chung bao gồm cả người Việt Nam đều có thói quen chi tiêu thận trọng sau đại dịch.
Ngoài ra, ngành dịch vụ nhà hàng và du lịch được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại trong năm 2022, tuy chưa thể như giai đoạn trước dịch.
Lĩnh vực này mới đây cũng cho những tín hiệu tích cực hơn nhờ các yếu tố như các đường bay nội địa và quốc tế đang được mở lại theo lộ trình của Bộ Giao thông Vận tải (cụ thể Thủ tướng đồng ý khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao gồm: Bắc Kinh/Quảng Châu, Tokyo, Seoul, Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok, Singapore, Vientiane, Phnom Penh, San Francisco/Los Angeles) từ ngày 1/1/2022) và du lịch nội địa hoạt động trở lại từ quý IV/2021.