Để vay được vốn, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực
Hiện chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa có khả năng tiếp cận và được vay vốn thường xuyên. Thực tế, những điều kiện tiếp cận vốn của ngân hàng khá khó khăn nhưng chúng không phải nằm ngoài tầm tay của doanh nghiệp, chỉ là doanh nghiệp có cố gắng hay không.
Một doanh nghiệp có ba báo cáo tài chính
Hiện chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa có khả năng tiếp cận và được vay vốn thường xuyên. Thực tế cho thấy trong bối cảnh làm ăn khó khăn của doanh nghiệp, nhiều món cho vay đối với DN nhỏ và vừa bị... mất khiến ngân hàng càng siết chặt các điều kiện vay vốn. Việc thẩm định, chọn lọc khách hàng cũng theo cách kỹ lưỡng hơn. Trong khi đó, nhiều DN không đáp ứng được các điều kiện vay vốn của ngân hàng.
Ví dụ, rất ít DN nhỏ và vừa (muốn) minh bạch về tài chính. Hầu như doanh nghiệp nào cũng có hơn một báo cáo tài chính: một cho doanh nghiệp lưu (số liệu thực tế), một gửi cơ quan thuế (lợi nhuận thấp hoặc không có lợi nhuận), một gửi ngân hàng xin vay vốn (lợi nhuận cao hơn). Các báo cáo thường không được kiểm toán nên độ tin cậy rất thấp. Kế hoạch và chiến lược sản xuất, kinh doanh mà doanh nghiệp đưa ra để thuyết phục ngân hàng cho vay thường thiếu cụ thể, không thực tế.
Thêm vào đó, tài sản thế chấp của doanh nghiệp không đủ bảo đảm, thiếu độ tin cậy. Thực tế đã có những trường hợp ngân hàng nhận thế chấp kho sắn mà trong kho lại là củi, hay kho cà phê thế chấp bỗng nhiên biến thành kho rác.
Ở góc độ trực tiếp cho vay, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho biết, ngân hàng ngại nhất là DN nhỏ thường sử dụng vốn sai mục đích. Thậm chí vay vốn ngắn hạn nhưng lại sử dụng cho dài hạn làm ảnh hưởng tới khả năng thanh toán.
Gần đây, các chính sách của Chính phủ đang hướng tới DN, trong đó có DN nhỏ và vừa. Đơn cử như Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, chặt chẽ, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng… Song, để các chính sách này đi vào thực tế, bản thân các DN nhỏ và vừa cần phải thay đổi.
DN phải cố gắng
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, xét về bản chất thì yêu cầu hỗ trợ DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn là đúng, nhưng trong thực tế, khó có thể đòi hỏi sự bình đẳng khi DN đi vay vốn. Ở tầm vĩ mô có sự chỉ đạo như vậy, nhưng người triển khai trực tiếp là các ngân hàng. Ví dụ, một thanh niên có thể đeo khẩu trang làm việc trong môi trường độc hại (như nhà máy sản xuất xi măng). Nhưng nếu bảo hộ lao động kiểu đó với một đứa trẻ thì chắc chắn đứa trẻ không thể chịu nổi. “Nên chỉ trong cuộc mới biết được môi trường đó, con người cần có bầu không khí, điều kiện thở như thế nào…” - ông Kiên ví von và cho rằng, việc ngân hàng cho DN vay cũng vậy. Ngân hàng không thể mang tiền cho bất cứ DN nào vay, nhất là DN nhỏ và vừa có quy mô chỉ vài chục lao động.
TS. Nguyễn Đức Kiên cũng chỉ ra một thực tế, khi các quy định cấp tín dụng càng chặt chẽ, thì vai trò của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Hỗ trợ phát triển DN… gần như lu mờ. Họ chưa nhận thức được vai trò bà đỡ cho các DN nhỏ và vừa mà vẫn còn có tư tưởng xin - cho. Thậm chí, các cơ quan này quên mất một điều, nếu bảo lãnh cho DN nhỏ nhưng tốt thì lợi nhuận thu về gấp mấy lần đối với DN lớn nhưng không tốt.
Các chuyên gia cho rằng, những điều kiện vay vốn của ngân hàng đều nằm trong tầm tay của doanh nghiệp, chỉ là doanh nghiệp có cố gắng hay không. Để tiếp cận vốn ngân hàng, bản thân các DN phải minh bạch hơn, và chủ động nâng cao năng lực quản trị, nâng cao trình độ khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực.
Các hiệp hội ngành nghề cần nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng để làm cầu nối cho các tổ chức tín dụng và DN nhỏ và vừa tiếp cận nhau; hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa trong việc khai thác thị trường đầu ra thông qua việc cung cấp thông tin thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, các hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động triển lãm; chủ động gửi danh sách các DN nhỏ và vừa cần vay vốn cho các tổ chức tín dụng để các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nhanh và hiệu quả. Với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần thúc đẩy Quỹ hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa và Quỹ Bảo lãnh tín dụng hoạt động hiệu quả hơn.