Đề xuất Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia là đầu mối khi tham gia xây dựng tiêu chuẩn
Mặc dù được coi là ”trái tim” của hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, nhưng nguồn nhân lực, sự đầu tư của Ban Kỹ thuật tại Việt Nam chưa tương xứng. Vì vậy, Bộ Khoa học và công nghệ đề xuất cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cả về tài chính và con người cho hoạt động này.
Thống kê cho thấy, tại Việt Nam hiện có hơn 13.000 TCVN đã được công bố, đứng trong nhóm đầu các nước ASEAN. Cùng với đó, Việt Nam hiện là thành viên chính thức của 20 Ban Kỹ thuật và tiểu Ban Kỹ thuật quốc tế ISO và IEC; tham gia với tư cách thành viên quan sát của 62 Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế của ISO.
Từ năm 2012-2021, Việt Nam đã tham gia góp ý 3.201 dự thảo tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC (trong đó, 2.010 dự thảo của ISO và 1.191 dự thảo của IEC) và góp ý nhiều tiêu chuẩn, tài liệu của Ủy ban An toàn thực phẩm quốc tế CODEX...
Mặc dù vậy, nhân lực và cả nguồn lực để thực hiện các hoạt động của Ban Kỹ thuật tại Việt Nam còn thiếu, chưa tương xứng với vai trò trung tâm. Do đó, cần có cơ chế chính sách nhằm phát triển, xây dựng Ban Kỹ thuật lớn mạnh, tương ứng với Ban Kỹ thuật của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế và xu thế hội nhập quốc tế.
Theo đó, tại dự thảo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất cần có chính sách cụ thể nhằm thu hút nguồn lực tài chính và con người phục vụ cho hoạt động và phát triển của Ban Kỹ thuật.
Trong đó, cần quy định thống nhất Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia là đầu mối của các thành viên, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp… khi tham gia xây dựng tiêu chuẩn, tránh tình trạng dàn trải, lãng phí. Điều này cũng đáp ứng thông lệ quốc tế.