Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngày càng phát triển

Linh Nguyễn

Những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã và đang đẩy nhanh sự phát triển của lực lượng sản xuất, nâng cao nǎng suất lao động, làm chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của các quốc gia.

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã có hơn 13000 TCVN, với tỷ lệ 61% hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đã bao trùm hầu hết lĩnh vực.
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã có hơn 13000 TCVN, với tỷ lệ 61% hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đã bao trùm hầu hết lĩnh vực.

Đánh giá được vai trò của hoạt động tiêu chuẩn hóa, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Theo đó, một trong những chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo quốc gia, trong đó có nhiệm vụ “ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia làm nền tảng cho việc ứng dụng và phát triển các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất và đời sống.

Đồng thời, tạo lập đồng bộ và kịp thời khung pháp lý và hệ thống các chính sách để triển khai và phát triển các công nghệ mới; Xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 2289/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030. Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ được giao “chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, dịch vụ theo thông lệ quốc tế phục vụ việc tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hợp tác với doanh nghiệp để bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thực tiễn và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới”.

Đến nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã có hơn 13000 TCVN, với tỷ lệ 61% hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đã bao trùm hầu hết lĩnh vực, góp phần hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Hoạt động xây dựng, thẩm định công bố TCVN đã có sự đổi mới, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững, đồng thời đảm bảo tính minh bạch, đồng thuận giữa các thành phần xã hội, phù hợp thông lệ quốc tế.

Với tỷ lệ hài hòa cao như hiện nay (61%), hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã trở thành công cụ hỗ trợ cho hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam hội nhập dễ dàng vào các thị trường toàn cầu rộng lớn, khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, RCEP.

Theo các chuyên gia, đây là những chương trình có tác động sâu rộng và đa chiều và là nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia trong đó tiêu chuẩn hóa là một vấn đề rất lớn của mọi nền kinh tế kể từ khi thế giới bước vào sản xuất công nghiệp cho đến nay.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận công nghiệp 4.0, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành được hơn 500 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) liên quan đến sản xuất thông minh, trong đó có trên 200 TCVN về công nghệ thông tin (hạ tầng công nghệ thông tin IoT…); 35 TCVN về an ninh mạng, an toàn thông tin (an ninh hệ thống, chất lượng thông tin, an toàn mạng, quản lý rủi ro…); 16 TCVN về tự động hóa (tự động hóa công nghiệp, mô hình tích hợp tự động hóa…); 05 TCVN về robot; 09 TCVN về nông nghiệp thông minh; 05 tiêu chuẩn về giao thông thông minh (hệ thống IST); trên 74 TCVN về kiểm soát chất thải và kiểm soát soát ô nhiễm môi trường; 67 TCVN về truy xuất nguồn gốc và trên 30 TCVN về hệ thống quản lý tiên tiến; 70 TCVN về dịch vụ (an toàn chuỗi cung ứng, đánh giá năng lực nhà cung cấp, dịch vụ tài chính, dịch vụ y tế) và 5 TCVN về quản lý và phát triển nguồn nhân lực.

Vượt lên khó khăn, thách thức, ngành khoa học và công nghệ nói chung, tiêu chuẩn đo lường chất lượng nói riêng đã có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Đất nước trong đó hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là hành lang kỹ thuật, đóng vai trò quan trọng trong định hình sự tồn tại và phát triển của các ngành kinh tế, kỹ thuật. Đồng thời cũng là công cụ pháp lý quan trọng được sử dụng nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững, tiết kiệm và hiệu quả, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, do sự thay đổi mang tính cách mạng khoa học và công nghệ sẽ dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, hệ thống quản lý nhà nước và xã hội cũng như phương thức sản xuất. Công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những thách thức đối với nhiều ngành, lĩnh vực cụ thể như đổi mới về công nghệ thông tin; đẩy nhanh phân tích và quản lý khoa học xử lý dữ liệu lớn để tạo ra tri thức mới, tối ưu hóa mô hình kinh doanh, thiết lập chuỗi cung ứng và hậu cần thông minh trong mạng lưới chuỗi giá trị toàn cầu và các mô hình thuế quan mới.

Trược thực trạng này, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống TCVN nhằm chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời, chủ động phòng ngừa, nhằm hạn chế tác động tiêu cực đang làm thay đổi các hoạt động kinh tế – xã hội.