Đề xuất tăng nặng mức xử phạt vi phạm giao thông: Nhiều ý kiến trái chiều
Nhiều ý kiến cho rằng việc tăng nặng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 171 và 107 tới đây còn nhiều bất cập và không khả thi.
Tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 171 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt ngày 21/9, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh Nghệ An cho rằng, nhiều mức phạt đưa ra trong dự thảo là cao và không khả thi.
Cụ thể, với xử phạt hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, dự thảo đề nghị phạt tiền từ 8-12 triệu đồng với mức 2 (nồng độ cồn từ 50 - 80 miligam/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở), tước giấy phép lái xe 4-6 tháng (mức cũ phạt tiền từ 7-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng).
Từ kinh nghiệm xử phạt vi phạm, đại diện Phòng CSGT tỉnh Nghệ An cho biết phần lớn người vi phạm nồng độ cồn đều ở mức 2, tuy nhiên, mức phạt 8-12 triệu đồng vượt quá thẩm quyền của lực lượng tuần tra trực tiếp, phải trình lên giám đốc.
“Tuy nhiên, nếu giao cho giám đốc xử phạt thì 10 giám đốc mới ký hết được quyết định phạt nên không áp dụng được. Đề nghị quy định xử phạt ở mức 8 triệu đồng như Nghị định 171 trước đây”, đại diện Phòng CSGT Nghệ An kiến nghị.
Thiếu tá Bùi Đức Thuận, Phó Phòng CSGT Hà Tĩnh cho rằng, với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức 3 việc tước giấy phép lái xe 10-12 tháng cũng cần xem xét lại, bởi vì mưu sinh, người lái xe có thể sẽ chạy chui lủi để có lại giấy phép. Các mức phạt cũng nên tuần tự, phù hợp với đời sống người dân và hợp lý cho lực lượng xử phạt.
Ông Bùi Đức Thuận cũng lo ngại việc đề xuất tăng thẩm quyền xử phạt cho thanh tra giao thông cần được cân nhắc kỹ, tính toán hợp lý “đề phòng trường hợp nhà nhà xử phạt, người người xử phạt, phòng tránh tiêu cực xảy ra”.
Còn ông Đặng Thanh Phong, Phó trưởng Phòng CSGT tỉnh Bắc Ninh cho rằng, với mức phạt 2- 3 triệu đồng cho hành vi điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định thì không nên đưa vào vì không phạt được.
Ngoài ra, ông Phong cũng không đồng ý mức phạt 3 triệu đồng với xe mô tô đi trên đường cao tốc. Vì thực tế làm đường cao tốc nhiều nơi không có đường gom cho xe máy đi, nếu xử phạt thì chẳng khác nào cảnh sát giao thông phải "đối đầu" với người dân.
Bên cạnh những ý kiến không đồng tình thì cũng có những đề xuất được nhiều ý kiến ủng hộ như như không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, vượt đèn đỏ, lái xe bỏ chạy hoặc đâm thẳng vào cảnh sát khi có hiệu lệnh dừng phương tiện.
Ông Hoàng Văn Đức, Phó phòng CSGT Lạng Sơn đề nghị tăng mức xử phạt với các hành vi sử dụng ô, điện thoại khi đang điều khiển xe, vì đây là các hành động dễ gây TNGT do lái xe không tập trung.