Đề xuất tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Nguyễn Tâm

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết về việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Sau gần 7 năm triển khai thực hiện Nghị định số 82/2017/NĐ-CP, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước tiếp tục được tăng cường hiệu lực, hiệu quả.
Sau gần 7 năm triển khai thực hiện Nghị định số 82/2017/NĐ-CP, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước tiếp tục được tăng cường hiệu lực, hiệu quả.

Đã phê duyệt 681 quyết định tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để triển khai hiệu quả các quy định về việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, ngày 17/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và được sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định số 41/2021/NĐ-CP ngày 30/03/2021.

Sau gần 7 năm triển khai thực hiện Nghị định số 82/2017/NĐ-CP, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước tiếp tục được tăng cường hiệu lực, hiệu quả; đã nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả.

Số liệu thống kê cho thấy, đến ngày 30/11/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt được 681 quyết định tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền gần 10.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình thực thi đã phát sinh những vướng mắc đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và cần quy định cụ thể đảm bảo trong quá trình thực thi như: Căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; thời điểm áp dụng giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; các trường hợp điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; quy định về thời điểm áp dụng giá tính tiền đối với trường hợp truy thu tiền; trình tự, thủ tục thực hiện truy thu, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước...

Bên cạnh đó là một số vướng mắc khác cần hoàn thiện, bổ sung đối với trường hợp thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước mà trước đó Luật Tài nguyên nước 2012 chưa quy định như sinh hoạt, nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, thuỷ điện tích năng, đồng thời quy định sản lượng tính tiền cấp quyền đối với các trường hợp trên.

Hay nên quy định cụ thể đối với một số trường hợp được miễn tiền cấp quyền khai thác nước; quy định về giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (cắt, giảm lượng nước khai thác hoặc tạm dừng có thời hạn hiệu lực của giấy phép; khai thác, sử dụng tuần hoàn, tái sử dụng nước; khai thác nước cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn…).

Đề xuất tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất 1 chương quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (từ Điều 44 đến Điều 61).

Chương này quy định những nội dung về: Trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 44); trường hợp không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 45); căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 46); mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 47).

Công thức tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 48); sản lượng tính tiền cấp quyền khai thác (Điều 49); giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 50); hệ số điều chỉnh (K) (Điều 51); thẩm quyền phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 52); trình tự, thủ tục tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 53); miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 54); giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 55); điều chỉnh, truy thu, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 56).

Bên cạnh các nội dung trên, dự thảo Nghị định quy định rõ: Thời hạn ra thông báo và nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 57); phương thức thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 58); trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh (Điều 59); trách nhiệm của các cơ quan trong công tác tính, thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 60); trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 61).

Kinh phí bảo đảm thực hiện Nghị định do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện Nghị định không làm phát sinh chi chí về nguồn nhân lực, tài chính so với việc thực hiện Luật Tài nguyên nước, do vẫn thực hiện các công việc theo quy định của Luật Tài nguyên nước.

Việc sử dụng kinh phí cho công tác thi hành pháp luật về tài nguyên nước đúng mục đích, nội dung, chế độ và định mức chi theo quy định của pháp luật về các chế độ chi tiêu tài chính.