Đến 2025, tiếp tục giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập
Lộ trình đặt ra đến năm 2025, cả nước tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện chuyển đổi thành công ty cổ phần; Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020...
Hệ thống cung ứng dịch vụ sự nghiệp công hiện nay đã hình thành ở hầu hết các địa bàn, lĩnh vực; mạng lưới cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao trải rộng đến tận khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo trong cả nước.
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), với 2,5 triệu biên chế (chưa kể các tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước).
Hệ thống pháp luật về ĐVSNCL cũng từng bước được hoàn thiện. Các ĐVSNCL giữ vai trò chủ đạo, vị trí then chốt trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Thực tế, hệ thống các ĐVSNCL với đông đảo đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, các nhà giáo dục… đã có đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, công bằng xã hội và hoàn thành cơ bản các mục tiêu thiên niên kỷ...
Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL trong thực tế còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể như:
- Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo; quản trị nội bộ hạn chế, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp. Chi tiêu ngân sách nhà nước cho các ĐVSNCL còn quá lớn; một số đơn vị thua lỗ, tiêu cực, lãng phí do trình độ quản lý tài chính yếu kém, thiếu hiệu quả.
- Công tác đổi mới hệ thống tổ chức các ĐVSNCL còn chậm. Quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL chủ yếu còn theo đơn vị hành chính, chưa chú trọng quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đặc điểm vùng miền và nhu cầu thực tế. Chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý và viên chức chưa cao, năng suất lao động thấp. Cơ cấu đội ngũ viên chức chưa hợp lý, đội ngũ viên chức làm công tác phục vụ chiếm tỷ lệ cao. Việc thu hút nhân tài vào làm việc trong ĐVSNCL còn hạn chế…
Nhằm góp phần cở bỏ những nút thắt còn hạn chế, ngày 22/6/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2015/ QĐ-TTg về việc chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần (CTCP). Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến nay nếu so với Danh mục chuyển đổi thành CTCP giai đoạn 2017-2020, số lượng đơn vị đã chuyển đổi thành CTCP chỉ đạt 14,5%.
Quá trình chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP còn nhiều lúng túng; công tác giám sát tình hình hoạt động và cung cấp dịch vụ sự nghiệp công chưa chặt chẽ. Sau khi chuyển đổi thành CTCP, có hiện tượng giảm chất lượng dịch vụ sự nghiệp công hoặc ngừng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở một số ít đơn vị... Trong khi, chính sách ưu đãi về tài chính và đầu tư chưa đủ hấp dẫn để thúc đẩy và tạo động lực cho các ĐVSNCL cổ phần hóa; chưa có hướng dẫn về cơ chế tài chính, quản lý, sử dụng các tài sản cơ sở hạ tầng giao cho doanh nghiệp chuyển đổi từ ĐVNSCL quản lý, khai thác...
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công hiện nay cũng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động của ĐVSNCL…
Nhằm thúc đẩy hơn nữa tiến trình đổi mới hoạt động của ĐVSNCL, đặc biệt là nâng cao năng lực quản trị của ĐVSNCL, thời gian tới, cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về ĐVSNCL. Trong đó, cần tăng cường hơn nữa quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các ĐVSNCL về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Hai là, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu của xã hội; đảm bảo tự chủ về nguồn thu và quản lý nguồn thu của các ĐVSNCL.
Ba là, rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy các ĐVSNCL theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, bỏ cấp trung gian; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học - công nghệ tiên tiến, áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quản trị quốc tế.
Bốn là, nâng cao chất lượng quản trị tài chính, tài sản công của các ĐVSNCL. Ban hành quy chế quản lý tài chính, tài sản công; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Hoàn thiện chế độ kế toán, thực hiện chế độ kiểm toán, giám sát; bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động tài chính của ĐVSNCL.
Năm là, áp dụng mô hình quản trị đối với các ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp.
Sáu là, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các ĐVSNCL chuyển đổi cơ chế hoạt động thông qua tiếp cận vốn vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp...; đổi mới chính sách ưu đãi tín dụng đối với học sinh, sinh viên phù hợp với cơ chế tự chủ khi thực hiện chuyển từ cơ chế học phí sang giá dịch vụ…