Đến lượt Nga sử dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để kiềm chế lạm phát

Theo Bloomberg

Nga sử dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hút bớt tiền từ nền kinh tế và tránh thu hút thêm dòng vốn đầu cơ.

Nga, nước duy nhất trong nhóm BRIC không áp dụng biện pháp kiểm soát vốn, đang tiếp bước Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc sử dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hút bớt tiền từ nền kinh tế và tránh thu hút thêm dòng vốn đầu cơ.

Ông Sergey Ignatiev, chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga, phát biểu với báo giới: “Chúng tôi sẵn sàng sử dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nếu cần thiết. Các nhà hoạch định chính sách sẽ hành động quyết liệt để đưa lạm phát về mức mục tiêu từ 6% đến 7%.”

Ngày 31/01/2011, Ngân hàng Trung ương Nga nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong khi đó vẫn bất ngờ duy trì lãi suất tiền gửi ở mức cũ ngay cả khi lạm phát tháng 1/2011 lên mức cao nhất trong 15 tháng.

Các nhà hoạch định chính sách Nga nói đến rủi ro từ dòng vốn đầu tư vào nước này nhiều bởi giá dầu tăng nóng.

Chính phủ nhóm nền kinh tế mới nổi đang cân nhắc việc hạn chế lạm phát khi dòng vốn đầu tư vào các thị trường này lên mạnh trong khi lãi suất cơ bản vẫn được giữ ở mức gần 0% tại Mỹ và châu Âu.

Theo một quan chức của Ngân hàng Trung ương Nga, rủi ro đồng rúp mạnh và xuất khẩu giảm sẽ khiến giới chức kinh tế Nga đau đầu nhất.

Tháng 1/2011, chỉ số giá tiêu dùng tại Nga tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Một phần nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh còn là bởi Nga đương đầu với hạn hán tồi tệ nhất trong ít nhất 50 năm.

Lạm phát tháng 1/2011 cao hơn 2,4% so với tháng trước đó. Giá ngũ cốc tăng 71% còn giá rau và hoa quả tăng 51%.

Ngân hàng Trung ương Nga đã duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 7,75% từ tháng 6/2010.