Dệt may có triển vọng phục hồi sớm
Một số ngành sản xuất kinh doanh có thể phục hồi nhanh hơn dự kiến khi đại dịch Covid-19 được khống chế. Một trong số đó là ngành dệt may nhờ nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc phục hồi, đi cùng xu thế các DN trong nước chủ động chuyển một phần dây chuyền sang sản xuất khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ y tế để tận dụng nhu cầu gia tăng mạnh giữa lúc dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Đơn cử như quý I vừa qua, Công ty Đầu tư và Thương mại TNG tuy ghi nhận doanh thu chỉ giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ. Nguyên nhân một phần cũng bởi công ty đã kịp chuyển sang đẩy mạnh sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn 3 lớp; nhờ đó, doanh thu tiêu thụ nội địa quý I đạt 63,3 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Doanh thu từ thị trường nội địa chỉ chiếm một phần nhỏ doanh thu nhưng cũng đã giúp công ty có thêm nguồn thu.
Bên cạnh đó, công ty cũng đã đầu tư xuất những lô khẩu trang đầu tiên sang châu Âu. TNG cũng đã nghiên cứu, sản xuất thành công “Bộ quần áo bảo hộ y tế phòng dịch” với năng lực sản xuất 100.000 bộ/ngày để đẩy mạnh kênh xuất khẩu trong phần còn lại của năm.
Một công ty khác cũng tham gia vào xu thế sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế là Công ty Dệt may - Đầu tư thương mại Thành Công (TCM). Để bù đắp cho việc giảm sút đơn hàng do dịch bệnh Covid-19, công ty đã và đang tích cực đẩy mạnh đơn hàng khẩu trang xuất sang thị trường Mỹ và vải kháng khuẩn. Dự kiến doanh thu cho đơn hàng khẩu trang và vải kháng khuẩn khoảng 11 triệu USD chỉ tính riêng trong tháng 4 và 5.
Danh sách các DN tham gia sản xuất khẩu trang, đồ dùng bảo hộ còn có Vinatex, May 10... Ngay cả các đối tác từ Mỹ cũng tăng cường tìm kiếm các nguồn cung tại Việt Nam.
Sau khi kiểm soát được dịch bệnh tương đối tốt trong nước, Việt Nam đang dần mở cửa cho phép các mặt hàng y tế xuất khẩu nhiều hơn. Thủ tướng Chính phủ mới đây ra thông báo chấp thuận cho phép xuất khẩu khẩu trang, trang phục phòng hộ, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch theo nguyên tắc bảo đảm đủ cho nhu cầu trong nước và chỉ xuất khẩu cho các nước bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh.
Nhu cầu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế của thế giới hiện đang rất lớn. Đơn cử như thị trường Mỹ đang có nhu cầu nhập khẩu khoảng 500 triệu khẩu trang N95, 200 triệu khẩu trang các loại, 1.000 máy trợ thở, 1 tỷ găng tay, 100 triệu bộ áo choàng y tế, 50 triệu bộ áo bảo hộ phòng dịch... mở ra cơ hội vàng cho các DN dệt may, y tế tận dụng.
Nỗi lo về nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành cũng vơi bớt khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu hâm nóng trở lại. Theo báo cáo của Bộ Công thương, phần lớn các DN trong các ngành chế biến, chế tạo tại Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động trở lại sau khi các quốc gia này đã qua đỉnh dịch. Như vậy nguồn cung ứng nguyên liệu cho ngành dệt may dự kiến sẽ bớt căng thẳng ngay trong quý II này.
Tất nhiên, việc chuyển một phần dây chuyền sang sản xuất khẩu trang, đồ dùng y tế không thể giúp gia tăng công suất sản xuất lên đủ 100% như trước đại dịch. Nhưng dù sao các DN dệt may cũng có thêm nguồn thu, bù đắp được một phần thiệt hại và nhất là đảm bảo khối lượng việc làm cho công nhân trong bối cảnh quá khó khăn hiện nay.
Nhìn xa hơn, cơ hội cho ngành vẫn còn khá tươi sáng. Dự kiến trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 này, các đại biểu sẽ chính thức bỏ phiếu thông qua hiệp định EVFTA. Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt, một khi hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, ngành dệt may Việt Nam sẽ có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh khi 100% dòng thuế hàng may mặc sẽ được cắt giảm trong vòng 7 năm tại thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn nhất thế giới.