Dệt may Việt Nam với 'sân chơi' TPP
Không có cơ hội nào không đi kèm thử thách, đặc biệt là trên thương trường. Đối với TPP cũng vậy. Theo các chuyên gia, TPP sẽ mang lại cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam, nhưng việc "nắm" và phát huy được cơ hội đó như thế nào mới là điều quan trọng...
Sau hơn 5 năm đàm phán với hơn 30 phiên làm việc ở cấp kỹ thuật và hơn 10 cuộc đàm phán ở cấp Bộ trưởng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đãchính thức kết thúc đàm phán vào đầu tháng 10/2015.
Hiệp định bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước... Trong đó, TPP được các chuyên gia đánh giá là “cơ hội vàng” cho ngành dệt may Việt Nam với con số ước tính về kim ngạch xuất khẩu dệt may đến năm 2025 lên đến 50 tỷ USD, tăng gần gấp đôi con số năm 2015 với 27 tỷ USD. Nhưng liệu sân chơi ấy có toàn “màu hồng” cho dệt may Việt Nam?
Những thuận lợi nhìn thấy được
Có thể nói, khi có hiệu lực, TPP sẽ tạo cú hích lớn và mang đến động lực quan trọng cho sự phát triển của dệt may Việt Nam, góp phần đưa ngành này lên tầm cao hơn trong tương lai gần. Đó là bởi những thuận lợi rõ rệt sau đây:
Thứ nhất,khi gia nhập TPP, phần lớn hàng dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào các nước thành viên TPP. Khi đó, thuế nhập khẩu vào Mỹ và các nước trong TPP sẽ giảm xuống bằng 0% thay vì 17% như hiện nay.
Thứ hai,ngành dệt may được dự báo sẽ tăng mạnh và tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Đến hết năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 27,3 tỷ USD, đã chiếm hơn 15% tổng doanh số xuất khẩu của cả nước và dự đoán đến năm 2025, doanh thu xuất khẩu có thể tăng lên đến 50 tỷ USD.
Càng thuận lợi hơn khi có tới đa số các thành viên TPP là những đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2015,tỷ trọng xuất khẩu hàng dệt may sang các nước TPP hơn 9,8 tỷ USD trong tổng số gần 14,9tỷ USD hàng dệt may của Việt Nam xuất đi toàn thế giới.
Ngân hàng thế giới World Bank dự báo sau khi TPP được đưa vào thực thi, đến năm 2020, sản lượng ngành dệt may sẽ tăng 21%; tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành có thể đạt 41%, tương ứng với giá trị xuất khẩu tăng thêm 11,5 tỷ USD. Trong đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ có thể đạt kỷ lục 90%.
Thứ ba,TPP đã và đang góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ hàng dệt may phát triển, giúp giải quyết vấn đề về nguyên liệu tồn tại bấy lâu nay trong nội tại ngành dệt may Việt Nam, cũng như giải quyết được bài toán về “quy tắc xuất xứ” với hàng dệt may Việt Nam trong TPP. Các chỉ tiêu về xuất siêu, giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa của ngành đều được nâng cao. Dự kiến, ngành sẽ đạt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2016 và 70% vào năm 2020.
Thứ tư, thị trường lao động trong ngành dệt may cũng sẽ gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Khi thuế suất về 0%, hàng hóa xuất khẩu sang các nước TPP tăng lên, đồng nghĩa với nhu cầu lớn về lực lượng lao động. Lực lượng lao động tham gia vào ngành dệt may sẽ cao hơn, kéo theo chất lượng lao động sẽ tốt hơn. Dự báo, riêng về xuất khẩu dệt may,1 tỷ USD xuất khẩu hàng năm sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm, như vậy đến năm 2025, ngành dệt may sẽ giải quyết vấn đề việc làm cho khoảng 1,2 triệu việc làm.
Với cả những thách thức tiềm ẩn…
Bên cạnh những cơ hội nhìn thấy được, sân chơi TPP cũng tiềm ẩn nhiều thách thức cho ngành dệt may Việt Nam, đó là:
Thứ nhất,TPP có một nhu cầu khắt khe là nguyên tắc xuất xứ, đó được gọi là nguyên tắc xuất xứ “từ sợi chỉ trở đi” (yarn forward). Như vậy nếu muốn hưởng thuế suất bằng 0% khi xuất khẩu thì các doanh nghiệp cần phải sử dụng toàn bộ nguyên liệu cho sản phẩm xuất khẩu đó từ các nhà sản xuất trong nước hoặc là nhập khẩu từ các nước tham gia TPP khác, chứ không phải là nguyên liệu nhập khẩu từ các nước ngoài TPP.
Đây là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam, bởi hiện tại ngành công nghiệp phụ trợ hàng dệt may đang phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước ASEAN.
Với 90% doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, doanh nghiệp gần như luôn gặp phải vấn đề thiếu vốn, do số vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp phụ trợ dệt may là rất lớn.
Cách làm hiện tại là thu hút nhiều vốn FDI vào lĩnh vực dệt may với trên dưới 20 dự án FDI, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông.
Điều đáng nói ở đây các doanh nghiệp Trung Quốc dường như đã “tính toán” rất khôn ngoan, bởi từ đây, các doanh nghiệp nước này có được giấy chứng nhận hàng hóa "Made in Vietnam", từ đó được hưởng mức thuế suất cực kỳ ưu đãi thay vì mức thuế suất 37% khi vào thị trường Mỹ của hàng "Made in China".
Doanh nghiệp của Việt Nam thật sự sẽ gặp khó khăn lớn khi các sản phẩm có thương hiệu từ Việt Nam "thật" sẽ không thể cạnh tranh về giá so với các doanh nghiệp Trung Quốc khi xuất khẩu.
Thứ hai,là thách thức về xu hướng đầu tư rất nhanh và mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường đều vượt xa so với các doanh nghiệp Việt Nam. Khi Hiệp định có hiệu lực thì lập tức các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp 100% của Việt Nam sẽ rơi vào thế yếu hơn các doanh nghiệp nước ngoài về mọi mặt.
Thứ ba,năng suất lao động của các doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực cũng như thế giới. Chỉ số năng suất lao động tại khu vực sản xuất của Việt Nam chỉ đạt 2,4 trong khi các quốc gia sản xuất dệt may lớn như Trung Quốc là 6,9 và Indonesia là 5,2. Đây là điểm yếu lớn nhất của dệt may và các ngành sản xuất sử dụng lao động khác.
Năng suất lao động là yếu tố quan trọng quyết định giá thành sản phẩm. Với năng suất lao động của Việt Nam thấp như vậy thì giá thành sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị đẩy lên cao hơn so với sản phẩm cùng loại của các nước khác sẽ có sức cạnh tranh kém.
Bên cạnh đó, năng lực quản lý yếu kém, thiếu hụt lao động, năng suất lao động thấp, đơn giá lao động tăng lên… cũng là một trong những yếu tố kìm hãm việc tăng năng lực sản suất cũng như xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam trong khuôn khổ TPP. Trong khi đó, năm 2015, Campuchia đã vượt qua vị trí của Việt Nam trên thị trường EU, do đơn giá lao động thấp hơn so với Việt Nam. Còn Ấn Độ, Bangladesh thì triển khai một loạt chính sách hỗ trợ phát triển nhân lực ngành dệt may trong những tháng đầu năm 2016.
Rõ ràng, nguồn nhân lực ngành dệt may đang mất dần đi lợi thế cạnh tranh và cần những biến chuyển lớn khi TPP đi vào thực thi.
Không có cơ hội nào không đi kèm thử thách, đặc biệt là trên thương trường. Đối với TPP cũng vậy, nếu doanh nghiệp cùng liên kết, chung sức vượt qua khó khăn, thách thức thì sẽ khai thác lợi thế được nhiều hơn. Điều quan trọng lúc này là doanh nghiệp phải chủ động đổi mới để vươn lên khẳng định mình trên “sân chơi” lớn.