"Đi tới cùng tái cơ cấu ngân hàng"?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Với những nỗ lực tái cơ cấu quyết liệt, trong giai đoạn 2011-2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xử lý, "dọn dẹp" nhiều tổ chức tín dụng yếu kém, có nguy cơ phá sản, mất an toàn hệ thống. Thông điệp gần đây của Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thể hiện quyết tâm "đi tới cùng tái cơ cấu ngân hàng".

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 20/10, tại nghị trường Quốc hội khoá XIII (kỳ họp thứ 10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo về tình hình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) – một trong ba trọng tâm tái cơ cấu – đã đạt được những kết quả đáng kể.

Nợ xấuvẫn còn đáng lo

Đánh giá chung là hệ thống tổ chức tín dụng đã được thu gọn số lượng, loại bỏ được 17 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng và hình thành nên những ngân hàng quy mô lớn.

Đặc biệt, nguy cơ "đổ vỡ" hệ thống từng được cảnh báo từ năm 2011 giờ đã được đẩy lùi dần, thay vào đó là củng cố thanh khoản, an toàn cho hệ thống, đảm bảo cung ứng vốn cho nhu cầu phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô…

Trong bức tranh chung đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, các ngân hàng thương mại đã chủ động tự xử lý nợ xấu, cùng với việc tích cực phối hợp với công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Từ đây, đã giúp hình thành thị trường mua bán nợ và góp phần "dọn dẹp" nhanh chóng khối nợ xấu vốn được ví như "cục máu đông" của nền kinh tế.

Dẫn chứng là, đến tháng 9/2015, tỷ lệ nợ xấu giảm còn 2,9% tổng dư nợ, thấp hơn rất nhiều so với số 17,43% công bố ở thời điểm tháng 9/2012. Kết quả này là đạt mục tiêu đưa nợ xấu về dưới mức 3% trong năm nay mà Quốc hội đã đặt ra hồi cuối năm 2014.

Còn theo báo cáo công bố mới đây của NHNN, tỷ lệ nợ xấu tính tới tháng 6/2015 là 3,72% dư nợ. Báo cáo của Chính phủ trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm xuống còn 3,2% vào cuối tháng 8/2015.

Mặc dù diễn biến nợ xấu đang trong xu hướng giảm tích cực, nhưng khi thẩm tra, Ủy ban kinh tế Quốc hội vẫn lưu ý rằng "nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của công ty VAMC chưa thực sự hiệu quả".

Thực tế, các chuyên gia tài chính cũng cho rằng VAMC chỉ đóng vai trò là tổ chức "ôm" lại khối nợ xấu khổng lồ của các ngân hàng, tức chỉ là "dọn dẹp" nợ xấu trên sổ sách.

Còn thực tế, lại chưa thể xử lý khối nợ xấu đã mua về và do thế, lượng vốn lớn của hệ thống ngân hàng vẫn đang bị đọng lại, chưa thể giải phóng.

Hơn nữa, theo Uỷ ban kinh tế Quốc hội, các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, gồm cả những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC bằng nguồn lợi nhuận. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Xoá sổngân hàng yếu kém

Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm, các doanh nghiệp còn khó khăn, nợ nần chồng chất thì ngân hàng khó có thể xử lý dứt điểm nợ xấu. Thậm chí, sẽ phải tiến hành xoá nợ cho doanh nghiệp và bù đắp mất vốn bằng lợi nhuận.

Điều đáng ghi nhận là giai đoạn 2011-2015, hệ thống tài chính Việt Nam đã giảm được 17 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng tinh gọn số lượng, củng cố chất lượng.

Cụ thể, sáp nhập 2 ngân hàng thương mại nhà nước với nhau, 4 ngân hàng TMCP sáp nhập vào 4 ngân hàng TMCP khác; hợp nhất 3 ngân hàng TMCP thành một (Ngân hàng SCB), 1 ngân hàng liên doanh sáp nhập vào 1 ngân hàng nước ngoài khác; 1 ngân hàng TMCP hợp nhất với 1 công ty tài chính (PVcombank).

Ngoài ra, đã thực hiện chuyển giao tài sản công nợ và đóng cửa 5 chi nhánh ngân hàng nước ngoài; đóng cửa và thanh lý 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài (chưa bao gồm 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang trong quá trình thanh lý); giải thể, rút giấy phép 1 công ty cho thuê tài chính.

Ở giai đoạn nước rút của Đề án tái cơ cấu, trong năm 2015, nhiệm vụ tái cơ cấu hệ thống TCTD được thực hiện rốt ráo, quyết liệt hơn với nhiều biện pháp mạnh tay.

Đáng chú ý, đã có 4 cặp đôi ngân hàng được sáp nhập, gồm: Ngân hàng MHB - BIDV, Mekongbank - MaritimeBank, PGbank - Vietinbank, Southernbank - Sacombank (đã được chấp thuận sáp nhập).

Năm 2015, NHNN cũng tuyên bố mua lại 0 đồng đối với 3 ngân hàng yếu kém, có sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động gồm: VNCB, OceanBank, GPbank. Chưa hết, một số ngân hàng có vấn đề đang được đặt trong diện kiểm soát đặc biệt, hoặc bị thanh tra đột xuất để xem xét, xử lý những yếu kém về nợ xấu, sai phạm, sở hữu chéo, vốn ảo…

Với quyết tâm "đi tới cùng tái cơ cấu ngân hàng", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác định, "Giai đoạn 2016-2020, sẽ tiếp tục cơ cấu lại các TCTD, nâng cao năng lực quản trị, tiềm lực tài chính, chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, tập trung tái cơ cấu các ngân hàng thương TMCP yếu kém, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của VAMC…".

Hoạt động thanh tra, giám sát các TCTD cũng được tăng cường nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật, thao túng, gây mất an toàn hệ thống.