Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng:
"Lột xác chất và lượng"
Sau hơn 3 năm ngành Ngân hàng Việt Nam thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD), hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD diễn ra mạnh mẽ. Đó là quá trình thanh lọc, làm lành mạnh hóa và củng cố năng lực hệ thống các TCTD vốn giữ vai trò "huyết mạch" của nền kinh tế quốc dân. Đó là cuộc “lột xác” toàn diện cả về số lượng lẫn chất lượng theo hướng lớn hơn, mạnh hơn...
Nâng cao tính thanh khoản, ổn định hệ thống TCTD
Tái cấu trúc nền kinh tế là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó, cơ cấu lại hệ thống các TCTD là một trong những nội dung trọng tâm để cùng với tái cơ cấu đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011- 2015” được Bộ Chính trị, Chính phủ thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01.3.2012 thể hiện quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc lành mạnh hóa hệ thống các TCTD theo Kết luận số 10-KL/TW ngày 18.10.2011 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI.
Về mục tiêu, trong giai đoạn 2011- 2015, Đề án 254 tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD; nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng.Đề án 254 cũng xác định rõ kết quả cơ cấu lại đạt được trong giai đoạn 2011 - 2015 là tiền đề để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh, dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.
Tại Hội thảo “Ba năm nhìn lại tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng” , Chánh Thanh tra Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng, NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: Hơn 3 năm tái cơ cấu là hơn 3 năm vượt khó của toàn hệ thống ngân hàng để đẩy lùi nguy cơ sụp đổcủa một số ngân hàng. Sau hơn 3 năm triển khai Đề án 254 trong điều kiện nhiều yếu tố không thuận lợi: Kinh tế vĩ mô kém ổn định, tăng trưởng kinh tế chậm, thị trường bất động sản trầm lắng, chậm phục hồi… Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị và toàn ngành Ngân hàng, Đề án 254 đã được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, đạt được nhiều kết quả quan trọng theo đúng mục tiêu, định hướng, lộ trình đề ra, là điểm sáng trong tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế.
Đến nay, về cơ bản, NHNN đã kiểm soát được và từng bước xử lý các TCTD yếu kém, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh ngân hàng; các NHTM Nhà nước duy trì vị trí chủ đạo, đóng vai trò trụ cột trong việc giữ vững sự ổn định hệ thống TCTD, luôn đi tiên phong, dẫn dắt thị trường và trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời, là lực lượng chủ yếu, tích cực tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém theo chỉ định của NHNN.
Theo báo cáo của NHNN, từ năm 2011 đến nay, số lượng TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đã giảm 17 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép, đặc biệt là các NHTMCP yếu kém. Nhiều ngân hàng sau khi sáp nhập đã hoạt động tốt, góp phần nâng cao tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Điều đặc biệt quan trọng là sau khi các ngân hàng yếu kém bị sáp nhập nhưng lòng tin của nhân dân vào hệ thống ngân hàng ngày càng được củng cố, người dân đã hiểu rõ và ủng hộ chủ trương tái cơ cấu ngân hàng nên không xảy ra việc rút tiền hàng loạt hay các phản ứng tiêu cực đe dọa an toàn hệ thống.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh khẳng định: “Qua quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém, xử lý nợ, mua bán và sáp nhập, NHNN cũng xử lý được một kết quả kép, giải quyết nhanh chóng sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn, đến nay tình trạng này được xử lý tương đối tốt, mặc dù còn một số điểm cần tiếp tục xử lý. Tôi tin rằng, chúng ta đã gióng lên một hồi chuông mạnh mẽ với ai có ý đồ lũng đoạn, có ý đồ trong sở hữu chéo ngân hàng phải dè chừng”.
“Đó là cuộc “lột xác” toàn diện cả về số lượng lẫn chất lượng theo hướng lớn hơn, mạnh hơn: “Suốt hơn 3 năm qua, tiến trình tái cơ cấu hệ thống tài chính, trọng tâm là cơ cấu lại các NHTM đã đạt nhiều thành tựu đáng kể mặc dù có lúc nhanh, lúc chậm. Số lượng các NHTMCP đã giảm xuống còn 37 (nếu không kể 3 NHTMNN đã cổ phần hóa thì còn 34 NHTMCP) thông qua sát nhập và hợp nhất hàng loạt NHTMCP yếu kém. Bên cạnh đó, mỗi NHTM, mỗi TCTD đều tự tích cực cơ cấu lại từ nguồn vốn chủ sở hữu, định hướng kinh doanh, phát triển hệ thống đến bộ máy quản lý, đội ngũ nhân viên và quản trị ngân hàng, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng lợi nhuận…” - Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá.
Tái cơ cấu tận gốc ở giai đoạn “nước rút”
Năm 2015, Chương trình cơ cấu lại hệ thống tài chính với trọng tâm là các ngân hàng thương mại (NHTM) đã bước vào giai đoạn “nước rút”. Để vượt qua thách thức, hoàn thành thắng lợi, Đề án 254 giai đoạn 2011- 2015 ngành Ngân hàng cần rất nhiều nỗ lực và quyết tâm.
Chánh Thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh, tái cơ cấu là một quá trình thường xuyên, liên tục nhằm chủ động đối phó với những thách thức để hướng đến một hệ thống TCTD an toàn, lành mạnh, bền vững, thực hiện tốt vai trò là huyết mạch của nền kinh tế quốc dân.
Ông Nghĩa cho hay, trong năm 2015, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn, triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm hoàn thành mục tiêu Đề án. Gồm: Cơ cấu lại triệt để các TCTD yếu kém, kiên quyết áp dụng các biện pháp mạnh, bao gồm cả biện pháp can thiệp của nhà nước (mua cổ phần bắt buộc, chỉ định sáp nhập/ hợp nhất bắt buộc…) để xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại toàn điện đối với tất cả các TCTD theo phương án tái cơ cấu đã được duyệt. Đẩy mạnh cơ cấu lại các QTDND, kiên quyết xử lý các QTDND yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tiếp tục khuyến nghị, tạo điều kiện cho các TCTD sáp nhập, hợp nhất, mua lại theo nguyên tắc tự nguyện giữa các TCTD. Triển khai các giải pháp kiểm soát, xử lý vấn đề sở hữu chéo, cổ động sở hữu vượt giới hạn quy định, vi phạm pháp luật về sở hữu vốn. Tích cực nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ ngân hàng.
Các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam khuyến nghị, cơ cấu lại TCTD không chỉ nhằm lành mạnh hóa từng TCTD mà còn tạo tiền đề xây dựng một số TCTD mạnh tầm cỡ khu vực và quốc tế theo mô hình tập đoàn tài chính ngân hàng. Trong giai đoạn quyết định cơ cấu lại các TCTD năm 2015 cần quán triệt nguyên tắc tái cơ cấu tận gốc, dứt điểm, kiên quyết, đồng bộ và có tầm nhìn xa để nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống NHTM Việt Nam, sẵn sàng bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế mới.