Địa phương đóng góp quan trọng vào hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2021

Minh Hà

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, triển khai nhiệm vụ tài chính- NSNN năm 2022 của ngành Tài chính sáng ngày 6/1/2022, các địa phương cho biết đã hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách năm 2021 được giao.

TP. Hà Nội: Thu ngân sách vượt 12,3% dự toán, góp phần đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chính trị

Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh khiến tăng trưởng kinh tế quý III/2021 của Thành phố giảm sâu (giảm 6,89%), nhưng sự phục hồi tốt của các ngành trong quý IV/2021 đã góp phần thúc đẩy đà phục hồi nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Thành phố ước tăng 2,92%. Các cân đối lớn kinh tế được giữ vững, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát và điều hành theo kế hoạch, tăng 1,77%.

Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu tại hội nghị.
Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Thu NSNN trên địa bàn năm 2021 đạt 264.540 tỷ đồng, bằng 112,3% dự toán Trung ương giao và vượt 5,3% so với dự toán Thành phố giao. Chi ngân sách địa phương đạt 73.852 tỷ đồng, bằng 76% dự toán. Công tác quản lý, điều hành tài chính - ngân sách chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Thành phố đã chủ động điều chỉnh và cắt giảm chi thường xuyên đối với các khoản chi chưa thực sự cấp bách với tổng số tiền là hơn 2.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và chi cho đầu tư phát triển của Thành phố.

Bên cạnh đó, Thành phố đã kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Cùng với chính sách hỗ trợ của Trung ương, Thành phố cũng đã ban hành 03 nghị quyết để hỗ trợ thêm cho nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn. Đồng thời, Thành phố cũng đã báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ thông qua cơ chế đặc thù hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Đến nay, Thành phố đã hỗ trợ cho trên 5,3 triệu lượt người dân, hộ kinh doanh với tổng kinh phí trên 6.600 tỷ đồng.

Các kết quả đạt được nói trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương đặc biệt là Bộ Tài chính.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ Thành phố, kế hoạch tài chính - ngân sách, đầu tư công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ tài chính - ngân sách, TP. Hà Nội sẽ tập trung triển khai quyết liệt, kịp thời kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 trên cơ sở Nghị quyết số 128/NQ-CP. Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế và tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp; điều hành ngân sách chủ động, tích cực, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững cân đối ngân sách và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN được giao; Tiếp tục đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt...

TP. Hồ Chí Minh: Thu ngân sách vượt 4,56% dự toán

Tham luận tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2021 là năm thứ 2 kinh tế - xã hội Thành phố bị tác động bởi đại dịch COVID-19, đặc biệt khi làn sóng dịch bệnh bùng phát cuối tháng 4/2021 với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm, diễn biến phức tạp.

Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh.
Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh.

Thành phố phải tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh, theo đó, hầu hết các ngành nghề đều dừng hoạt động, đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tiêu dùng, làm thay đổi nhu cầu, thói quen tiêu dùng… Hoạt động sản xuất - kinh doanh giảm sút đã tác động đến số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Số thu ngân sách trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ tháng 5/2021 có xu hướng giảm dần so với số thu của các tháng trước, nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đến tháng 8 và 9/2021, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, số thu NSNN (NSNN) đã sụt giảm mạnh nhất từ trước tới nay và giảm sâu so với cùng kỳ 2020. Theo đó, thu NSNN tháng 9/2021 chỉ đạt 55,82% so với mức trung bình một tháng Thành phố phải thu.

Trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, sâu sát, kịp thời, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân Thành phố, sự chung tay góp sức và hỗ trợ của các bộ ngành và các địa phương trong cả nước, sau hơn 3 tháng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tình hình dịch COVID-19 ở TP. Hồ Chí Minh cơ bản được kiểm soát.

Một số hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được phép mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 01/10/2021, góp phần tích cực đến công tác thu NSNN. Đồng thời, phát sinh một số khoản thu tăng đã phần nào bù đắp được khoản thu bị giảm, do ảnh hưởng của dịch bệnh như: Thuế thu nhập doanh nghiệp từ các doanh nghiệp khối tài chính ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh trong mùa dịch, khoản thu đột biến từ khí thiên nhiên và sự tăng trưởng mạnh do giá dầu có sự bức phá tốt trong năm 2021...

Nhờ đó, thu NSNN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2021 đạt 381.532 tỷ đồng, bằng 104,56% dự toán, tăng 2,73% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội đại (kể cả thu từ dầu thô) đạt 263.824 tỷ đồng, bằng đạt 102,7% dự toán; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 117.667 tỷ đồng, bằng 108,95% dự toán.

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát trên địa bàn Thành phố, nhiều khoản chi cấp thiết cho công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng; Thành phố phải đối mặt trước nguy cơ mất khả năng cân đối. Do đó, việc Trung ương hỗ trợ kịp thời 71.105 tấn gạo cho người dân gặp khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội và 2.000 tỷ đồng đã góp phần tạo điều kiện cho Thành phố vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. Tính đến tháng 12/2021, Thành phố đã chi cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 17.809,944 tỷ đồng...

Năm 2022, Thành phố được giao dự toán thu NSNN là 386.568 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24,82% trong tổng dự toán thu cả nước. Để tạo điều kiện cho Thành phố hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2022, Thành phố kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ sớm phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025; hướng dẫn việc sắp xếp các cơ sở nhà đất công; sửa đổi, tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công để thực hiện hoạt động phụ trợ là căng tin và bãi giữ xe...

Hải Phòng: Thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”

Tham luận về tình hình thu - chi NSNN của Hải Phòng, theo ông Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, năm 2021, Thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ với tinh thần quyết tâm cao, chủ động thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa duy trì nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được một số kết quả tích cực trong thu, chi NSNN.

Ông Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phát biểu tại điểm cầu TP. Hải Phòng.
Ông Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phát biểu tại điểm cầu TP. Hải Phòng.

Tổng thu NSNN trên địa bàn Thành phố năm 2021 đạt trên 95 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với dự toán Trung ương giao và tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2020. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 57,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16,9% so với dự toán Trung ương giao và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2020. Thu nội địa đạt trên 36,6 nghìn tỷ đồng, tăng 39,4% so với dự toán Trung ương giao và tăng 11,9% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách địa phương của Thành phố năm 2021 đạt trên 29 nghìn tỷ đồng, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 35% so với dự toán Trung ương giao. Trong đó, tổng chi đầu tư phát triển đạt trên 13 nghìn tỷ đồng, tăng 72,3% so với cùng kỳ và tăng 78% so với dự toán Trung ương giao. Chi thường xuyên đạt 12,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 5,6% so với dự toán Trung ương giao.

Trước diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, Thành phố tiếp tục cân đối, bố trí, đảm bảo đầy đủ, kịp thời kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 với tổng kinh phí đã phân bổ là 843 tỷ đồng để chi mua sắm vật tư y tế, hóa chất sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2, chi mua phương tiện bảo hộ, vật tư tiêu hao, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch và điều trị COVID-19...

TP. Đà Nẵng: Tổng thu ngân sách nhà nước vượt gần 8% dự toán trung ương giao

Trong năm 2021, Thành phố đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” của Chính phủ, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, kinh tế thành phố đang dần khôi phục và thoát khỏi mức tăng trưởng âm của năm 2020.

Thành phố đã cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu về tài chính ngân sách mà trung ương giao, đảm bảo nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và quốc phòng – an ninh trên địa bàn, nhất là đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phát biểu tại điểm cầu TP. Đà Nẵng.
Ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phát biểu tại điểm cầu TP. Đà Nẵng.

Trong đó, tính đến thời điểm 31/12/2021, tổng thu NSNN trên địa bàn Thành phố đạt 22.824 tỷ đồng, vượt gần 8% dự toán trung ương giao. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 106% dự toán, trong đó chi xây dựng cơ bản đạt 110% dự toán giao, chi thường xuyên đạt 104% dự toán giao.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2022, TP. Đà Nẵng sẽ tăng cường các biện pháp quản lý thu, chống thất thu, có giải pháp chỉ đạo, điều hành thu ngân sách phù hợp, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước; điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao, tập trung cho đầu tư phát triển, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19; hỗ trợ khôi phục, phát triển kinh tế và an sinh xã hội, các nhiệm vụ quan trọng.