Dịch COVID-19: Thái Lan 'bơm' 12,7 tỷ USD để chống đỡ nền kinh tế
Thủ tướng Thái Lan nói rằng gói kích thích kinh tế trị giá 400 tỷ baht này là biện pháp trong giai đoạn một và có thể sẽ có hành động cho giai đoạn hai nếu tác động của dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn.
Nội các Thái Lan ngày 10/3 đã chính thức thông qua gói kích thích, dự kiến sẽ bơm 400 tỷ baht (hơn 12,7 tỷ USD) cho nền kinh tế nhằm giảm nhẹ tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu hôm 10/3, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nói rằng gói kích thích kinh tế trị giá 400 tỷ baht này là biện pháp trong giai đoạn một và có thể sẽ có hành động cho giai đoạn hai nếu tác động của dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Uttama Savanayana bày tỏ tin tưởng rằng gói kích thích nói trên sẽ tạo điều kiện cho công chúng và các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh.
Theo Bộ Tài chính, gói kích thích bao gồm tất cả các khu vực vì sẽ mang lại lợi ích cho 14,6 triệu người có thu nhập thấp (chiếm 22% dân số), khoảng 50.000 quỹ nông thôn trên toàn quốc và 3 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 99% tổng số doanh nghiệp cả nước.
Biện pháp hỗ trợ này dự kiến sẽ tạo 14 triệu việc làm, tương đương 85% tổng số việc làm trên toàn quốc.
Tuy nhiên, kế hoạch gây nhiều tranh cãi theo đề xuất tại một cuộc họp của các bộ trưởng phụ trách kinh tế là phát khoản tiền 2.000 baht cho các nhóm dân cư được lựa chọn đã không được đưa vào gói kích thích kinh tế này để trình nội các thông qua.
Cũng trong ngày 10/3, nội các Thái Lan đã thông qua các biện pháp của Cục Ngân sách nhằm giảm nhẹ tác động kép từ dịch COVID-19 và hạn hán trên diện rộng đối với nền kinh tế vốn đã ảm đạm của nước này do xuất khẩu yếu và đầu tư ít.
Các biện pháp này yêu cầu tất cả các cơ quan chính phủ giảm 10% chi tiêu ngân sách thông qua việc điều chỉnh hoạt động, đồng thời cân nhắc mua sắm hàng hóa và dịch vụ từ các doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng như nhà thầu địa phương trong ngắn hạn.