Đích đến của làn sóng sáp nhập ngân hàng
(Tài chính) Phải đến mùa đại hội cổ đông ngân hàng vào tháng 4 tới, những thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng mới hai năm rõ mười. Tuy vậy, tin tức về làn sóng sáp nhập ngân hàng trong năm nay cho thấy nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm đạt mục tiêu của Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015.
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã trải qua giai đoạn khoanh vùng xử lý những ngân hàng yếu kém nhất, bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, thời điểm này, môi trường kinh tế tốt hơn, tiềm lực của NHNN được nâng lên nhiều cho phép cơ quan quản lý có những giải pháp quyết liệt hơn trong giai đoạn 2 của tái cơ cấu. Điểm mới của giai đoạn này là có sự tham gia tích cực của các ngân hàng thương mại nhà nước trong hoạt động M&A.
Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015 đặt mục tiêu đến năm 2015, các tổ chức tín dụng phải được lành mạnh hóa một bước quan trọng về tài chính và hoạt động; giảm bớt số lượng ngân hàng nhỏ, yếu kém và hình thành 1 - 2 ngân hàng thương mại có quy mô lớn và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực. Những động thái gần đây của NHNN cho thấy NHNN đang nỗ lực thực hiện kế hoạch này. Dự kiến sẽ có 6 - 8 ngân hàng sáp nhập trong năm nay. Nếu hai năm tiếp theo, thêm chừng đó số ngân hàng được tái cơ cấu (nghĩa là biến mất) thì nhiều khả năng đến năm 2017 sẽ chỉ còn khoảng 20 ngân hàng thương mại trong hệ thống. Đây là định hướng NHNN đã từng đề cập.
Lãnh đạo NHNN cũng không giấu tham vọng xây dựng 1 – 2 ngân hàng ngang tầm khu vực và cái tên cụ thể đã được chỉ ra là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank). Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh Vietcombank năm 2015, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói rằng, để được coi là số 1 thì Vietcombank phải thể hiện được vị thế số 1 trong nhiều lĩnh vực, từ việc xử lý nợ xấu, đến tổng tài sản, chiếm thị phần lớn cả lĩnh vực bán buôn, bán lẻ… Mặc dù tổng tài sản Vietcombank đã lần đầu tiên vượt mức 500 nghìn tỷ đồng, nhưng theo Thống đốc NHNN, Vietcombank có thể mất nhiều năm để đứng đầu hệ thống về tổng tài sản nếu không có những bước đột phá. Hơn thế, muốn trở thành số 1 về mặt quy mô, thị phần thì không có cách nào tốt hơn và nhanh hơn việc sáp nhập, hợp nhất. Thống đốc cho rằng, Vietcombank đang có thế mạnh truyền thống bán buôn, việc sáp nhập với một ngân hàng có thế mạnh bán lẻ sẽ giúp Vietcombank mở rộng nhanh chóng thị phần bán lẻ, tiến nhanh hơn trong chiến lược trở thành ngân hàng số 1.
Tương tự, dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2015 của Vietinbank, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: muốn là số 1 mà Vietinbank tập trung vào bán buôn là không phù hợp. Vietinbank cần đẩy mạnh bán lẻ và NHNN ủng hộ chủ trương này. Muốn phát triển bán lẻ, cần hệ thống mạng lưới dày đặc để phát triển. Nếu mỗi năm chỉ được mở vài ba chi nhánh thì đến bao giờ Vietinbank mới trở thành ngân hàng lớn? Như vậy, chỉ có con đường sáp nhập. “Tham gia xử lý một ngân hàng, một đêm ngủ dậy bỗng dưng biên giới của ngân hàng mình được mở rộng hút với mấy trăm chi nhánh… Nói theo cách khác, thông qua chương trình tái cơ cấu không chỉ để xử lý ngân hàng yếu kém (việc nhỏ) mà còn xây dựng các ngân hàng có quy mô lớn (việc chính), chứ để triển khai như bình thường sẽ rất lâu, mất hết thời cơ”, Thống đốc nói.
Tuy nhiên, khi nhìn vào đối tác sáp nhập tiềm năng của Vietcombank và Vietinbank - là Ngân hàng Sài Gòn Công thương và Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex, một chuyên gia tài chính nhận xét rằng, những ngân hàng này có quy mô nhỏ, vốn điều lệ khoảng 3 – 4 nghìn tỷ đồng. Bởi vậy, sau sáp nhập, quy mô và tính cạnh tranh của Vietcombank và Vietinbank cũng không lớn hơn là bao. Thậm chí, vị chuyên gia này đã tính đến khả năng NHNN trễ hẹn trong kế hoạch tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của mình.
Một mối lo khác lớn hơn đến từ chất của các thương vụ mua bán, sáp nhập. Đó là quá trình M&A có thể sẽ kéo lùi trình độ của ngân hàng xét ở chất lượng tài sản, năng lực quản trị, điều hành... Hơn nữa, sau hợp nhất sẽ là những xung đột về lợi ích, văn hóa bên trong các ngân hàng. Nếu bộ máy và năng lực quản trị không kịp thay đổi để thích nghi thì những rủi ro sẽ nhiều hơn.