Dịch vụ tài chính năm 2019: Thêm nhiều nền tảng vững chãi

Theo Châu Anh/The Economist/ndh.vn

Ngành dịch vụ tài chính năm 2019 phải đối mặt với nhiều rủi ro nhưng hệ thống này đủ vững mạnh để chống lại những cú sốc.

Dự kiến các quốc gia lớn sẽ ban hành cải cách ngân hàng Basel III, gồm những yêu cầu khắt khe hơn đối với ngành ngân hàng. Nguồn: Internet
Dự kiến các quốc gia lớn sẽ ban hành cải cách ngân hàng Basel III, gồm những yêu cầu khắt khe hơn đối với ngành ngân hàng. Nguồn: Internet

Năm 2019 tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong ngành tài chính. Tuy nhiên, lợi nhuận “sạch” và các quy định chặt chẽ sẽ giúp các doanh nghiệp tài chính tránh khỏi những mối lo ngại này. Chiến tranh thương mại toàn cầu, Mỹ thắt chặt thị trường tiền tệ và biến động từ các thị trường mới nổi đều gây nên những ảnh hưởng xấu tới dòng chảy thương mại, lạm phát, đầu tư, sản lượng kinh tế và những tác động gián tiếp đối với ngành dịch vụ tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, không giống như năm 2008 – 2009, hệ thống tài chính toàn cầu đủ vững mạnh để chống lại những cú sốc này.

Một số dự đoán về dịch vụ tài chính trong năm 2019

- Tổng dư nợ và tiền gửi trong ngành dịch vụ tài chính toàn cầu tăng 6% vào năm 2019, nhanh gấp đôi so với năm 2018

- Rào cản thương mại và lãi suất tại Mỹ tăng khiến rủi ro tăng theo, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi

- Việc Anh rời EU vào tháng 3/2019 có thể khiến nước này mất tới 80.000 việc làm dịch vụ tài chính khi các ngân hàng nước ngoài rút khỏi Anh

 

Cuộc khủng hoảng từ các thị trường mới nổi

Rủi ro lớn nhất đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính năm 2019 bắt nguồn từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung, bất chấp các công ty tài chính không trực tiếp liên quan. Khác với thị trường EU, hoạt động kinh doanh tài chính hiếm khi chịu ảnh hưởng bởi các điều khoản của hiệp định thương mại, hoạt động tài chính giữa Mỹ và Trung Quốc còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, lợi nhuận của các doanh nghiệp tài chính khá tương đồng với mức tăng trưởng GDP. Có vẻ như các doanh nghiệp này đã tìm thấy “vùng an toàn”, tránh được những hệ lụy từ cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Dịch vụ tài chính năm 2019: Thêm nhiều nền tảng vững chãi - Ảnh 1

Tăng trưởng tài chính toàn cầu năm 2019 (Ảnh: EIU)

Rủi ro thứ hai là cuộc khủng hoảng từ các thị trường mới nổi khi dòng tiền toàn cầu thay đổi nhằm đáp ứng mức lãi suất gia tăng của Mỹ. Dự đoán Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2019, trong khi đó, Anh cũng có kế hoạch tăng lãi suất trong quý II, còn Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất âm đến năm 2020 – 2021.

Làn sóng các dòng vốn chảy về Mỹ đã khiến nhiều đồng tiền mất giá và làm gia tăng thâm hụt tài khoản vãng lai tại các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, đến nay chỉ có một số cuộc khủng hoảng đáng chú ý tại các nước Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan. Các quỹ toàn cầu có thể xâm nhập nhanh hơn vào thị trường Mỹ do lãi suất tăng thêm ở nước này và các chính sách thắt chặt ở EU. Ngược lại, mức lãi suất ổn định và việc giảm giá cổ phiếu ở các nước đã phát triển có thể kìm hãm xu hướng này.

Rủi ro tiềm ẩn ở châu Âu

Mặc dù EU đã hồi phục từ cuộc khủng hoảng nợ chính phủ và khủng hoảng ngân hàng từ một vài năm trước, sự phục hồi này không đồng đều và các rủi ro dễ dàng quay trở lại.

Chính phủ Italiađã thực hiện một chính sách kinh tế nhằm tăng chi tiêu, cắt giảm thuế, điều này khiến cho ngân sách bị thâm hụt mạnh và nợ chính phủ gia tăng và châm ngòi cho mâu thuẫn giữa Italia và EU. Chính sách này cũng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và vị thế tài chính của những ngân hàng nhỏ tại Italia – những ngân hàng sở hữu một lượng lớn chứng khoán của chính phủ. Mặc dù các nền kinh tế như Pháp, Đức, Hungary,… đều ở mức ổn định, tuy nhiên, các ngân hàng lớn tại các quốc gia này là những nhà đầu tư quan trọng tại Italia. Một cuộc khủng hoảng tại Italia có thể trì hoãn sự tăng trưởng tại những nước EU này, đặc biệt là Pháp và Đức. Trong tình huống tệ nhất, nó có thể khiến Italia và một vài quốc gia khác “nối gót” Anh rời EU.

Thêm nhiều nền tảng vững chắc

Trong năm 2019, dự kiến các quốc gia lớn sẽ ban hành cải cách ngân hàng Basel III, gồm những yêu cầu khắt khe hơn đối với ngành ngân hàng nhằm giữ vốn cơ sở, nắm giữ nhiều tài sản lưu động hơn trong trường hợp bị đóng băng tài sản.

Dịch vụ tài chính năm 2019: Thêm nhiều nền tảng vững chãi - Ảnh 2

Tỷ trọng cho vay trên GDP trong năm 2019 (Ảnh: EIU)

Để đáp ứng các yêu cầu, các ngân hàng tích lũy thêm nhiều vốn tốt hơn và củng cố dòng tiền của họ. Điều này làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng, tuy nhiên, cũng giúp họ củng cố vị thế cạnh tranh.

Những công ty công nghệ tài chính là một trong những mối bận tâm lớn của các ông lớn ngành tài chính. Điển hình là Alipay tại Trung Quốc, start-up này hoàn toàn có khả năng phát triển vượt bậc, thống trị thị trường thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc (nếu không bị các cơ quan quản lý thắt chặt).