Điểm danh các dự án giảm giá tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

Minh Hà

Số liệu thống kê vừa được Bộ Xây dựng công bố cho thấy, mặc dù số lượng dự án mới mở bán ra thị trường không nhiều, nhưng điều đáng chú ý là các sản phẩm như căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đồng loạt giảm giá bán.

Quý I/2023, số lượng dự án căn hộ chung cư mở bán mới không nhiều, chủ yếu vẫn đến từ phân khúc trung, cao cấp.
Quý I/2023, số lượng dự án căn hộ chung cư mở bán mới không nhiều, chủ yếu vẫn đến từ phân khúc trung, cao cấp.

Đồng loạt giảm giá bán

Theo Bộ Xây dựng, quý I/2023, số lượng dự án căn hộ chung cư mở bán mới không nhiều, chủ yếu vẫn đến từ phân khúc trung, cao cấp. Tại Hà Nội, một số dự án có mức độ biến động giảm giá như: Home City (Cầu Giấy) giảm khoảng 5,6%, xuống mức 44,6 triệu đồng/m2; South Tower (Hoàng Mai) giảm khoảng 6,1%, xuống 26,2 triệu đồng/m2; Eco Dream (Thanh Trì) giảm khoảng 5,3%, xuống 34,1 triệu đồng/m2.

Tại TP. Hồ Chí Minh, các dự án có biến động giảm giá bán như: The Grand Manhattan (quận 1) giảm 4,4%, xuống còn 163,6 triệu đồng/m2; The Western Capital (quận 6) giảm khoảng 3,8%, xuống 36,1 triệu đồng/m2; Satra Eximland (Phú Nhuận) giảm khoảng 4,3%, xuống 44,8 triệu đồng/m2; Sài Gòn Intela (Bình Chánh) giảm khoảng 3,9%, xuống 27,5 triệu đồng/m2.

Đối với các dự án nhà ở riêng lẻ có xu hướng giảm giá giao dịch thứ cấp. Cụ thể, tại Hà Nội, Khu đô thị Trung Văn (Nam Từ Liêm) giảm khoảng 7,1%, xuống mức 159,5 triệu đồng/m2; Khai Sơn City (Long Biên) giảm khoảng 8,1%, xuống mức 167,2 triệu đồng/m2; An Khang Villa (Hà Đông) giảm khoảng 8,9%, xuống mức 122,9 triệu đồng/m2; Lan Viên Villa (Gia Lâm) giảm khoảng 7,3%, xuống mức 80,4 triệu đồng/m2; Khu đô thị Vân Canh (Hoài Đức) giảm khoảng 6,9%, xuống mức 90,1 triệu đồng/m2.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh các dự án nhà ở riêng lẻ cũng đồng loạt giảm giá như: Jamona City (quận 7) giảm khoảng 7,1%, xuống mức 134,9 triệu đồng/m2; Hưng Thái (quận 7) giảm khoảng 8,6%, xuống mức 196,4 triệu đồng/m2; Dragon Village (quận 9) giảm khoảng 7,5%, xuống mức 57,2 triệu đồng/m2; The Manhattan (quận 9) giảm khoảng 7,6%, xuống mức 76,8 triệu đồng/m2; Gia Hòa (quận 9) giảm khoảng 9,1%, xuống mức 105,9 triệu đồng/m2.

Đối với đất nền dự án tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong quý I cũng ghi nhận giảm giá bán. Cụ thể, tại Hà Nội: Khu đô thị Sài Đồng (Long Biên) giảm khoảng 7,1%, xuống mức 106,6 triệu đồng/m2; The Phoenix Garden (Đan Phượng) giảm khoảng 7,3%, xuống mức 47,8 triệu đồng/m2; Khu nhà ở Minh Đức (Mê Linh) giảm khoảng 10,1%, xuống mức 25,1 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, biến động giá đất nền dự án có thể kể đến như: Thạnh Mỹ Lợi (Thủ Đức) giảm khoảng 7,2%, xuống 124,6 triệu đồng/m2; khu dân cư Kiến Á (Thủ Đức) giảm khoảng 7,2%, xuống mức 69 triệu đồng/m2; khu dân cư Phú Nhuận - Phước Long B (Thủ Đức) giảm khoảng 7,8%, xuống 69,7 triệu đồng/m2; Gia Long Riverside Nhà Bè (Nhà Bè) giảm khoảng 6,8%, xuống 57,1 triệu đồng/m2; Bình Mỹ Garden (Củ Chi) giảm 8,1%, xuống 22,6 triệu đồng/m2.

Doanh nghiệp phải cắt giảm 50% lực lượng lao động

Thị trường bất động sản ghi nhận giảm giá bán tại các dự án ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản phải dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn. Thậm chí, trên thị trường có doanh nghiệp phải cắt giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.

Theo Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới trong quý I/2023 là 940 doanh nghiệp, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đang gặp nhiều khó khăn và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động.

Chỉ ra những khó khăn lớn của các doanh nghiệp bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.

Cùng với đó, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO; có tập đoàn giảm 30% đến 50% lực lượng lao động).

Làm rõ khó khăn của thị trường bất động sản, ông Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, gốc rễ của khó khăn một phần do tắc nghẽn nguồn vốn. Bởi vốn tín dụng không được khơi thông, lãi suất cho vay cao, zoom tín dụng không nới lỏng, thị trường cổ phiếu, trái phiếu đánh mất niềm tin của khách hàng.

Ngoài ra, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam lâu nay “sống được” là nhờ cơ chế bán nhà hình thành trong tương lai, đây là giải pháp thông minh nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Rủi ro là đẩy cho người mua nhà khi dự án bị chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng như cam kết. Nhưng với nhà đầu tư thì đây là phương pháp vốn hiệu quả, khi đó tiền xây nhà là tiền của người mua nhà.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường

Để giải quyết khó khăn của thị trường, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cần rà soát toàn bộ dự án để giao cho địa phương, sau đó gửi Chính phủ để trình Quốc hội Nghị quyết tháo gỡ cho dự án; trong đó quy định cụ thể dự án như thế nào thì được duyệt, dự án nào bị bỏ lại, đây là phương án rất tốt và khả thi. Khi Quốc hội đã duyệt thì địa phương mới dám phê duyệt, nếu Quốc hội không phê duyệt thì địa phương không dám quyết.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành khẩn trương rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời phối hợp đồng bộ hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Đồng thời, các địa phương rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về đất đai; Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua...

 

Theo Bộ Xây dựng, trong quý I/2023 có thêm khoảng 30%-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động so với quý IV/2022, đồng thời ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30% - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh, để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn.