Điểm danh các nguyên nhân khiến doanh nghiệp thất bại trong áp dụng KPI

Ánh Dương

Dù ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, song đến nay số doanh nghiệp Việt thực sự áp dụng KPI thành công vẫn hạn chế.

KPI cho biết các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động như thế nào trong việc đáp ứng các mục tiêu
KPI cho biết các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động như thế nào trong việc đáp ứng các mục tiêu

Không chỉ là công cụ đánh giá đơn thuần

KPI (Key Performance Indicator) có nghĩa là chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả công việc có thể định lượng được để theo dõi tiến độ đạt được mục tiêu hoặc đối tượng cụ thể.

Chỉ số này cho biết các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động như thế nào trong việc đáp ứng các mục tiêu của họ, xác định xem có đang đi đúng hướng đi đạt được kết quả mong muốn hay không.

KPI có thể bao gồm lợi nhuận, số lượng bán hàng, doanh thu, chi phí trung bình hàng năm... Việc phân tích KPI thường xuyên giúp cung cấp một cái nhìn tổng quan chắc chắn về hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp, nhằm có những điều chỉnh cần thiết.

Ra đời từ những năm 80 của thế kỷ XX, nhưng KPI mới chỉ thật sự rầm rộ tại Việt Nam trong khoảng một vài năm trở lại đây. Dù ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, song số doanh nghiệp Việt thực sự áp dụng KPI thành công vẫn hạn chế.

Lý do đầu tiên của tình trạng này được các chuyên gia năng suất, chất lượng chỉ ra là: Khi đề cập đến KPI, hầu hết các doanh nghiệp chỉ hiểu KPI là công cụ đánh giá đơn thuần, với mục đích là xác lập và đo lường kết quả thực hiện của nhân viên vào cuối kỳ đánh giá.

Trong khi đó, bản chất của KPI là một công cụ quản trị chiến lược từ việc xác lập mục tiêu – theo dõi quá trình thực hiện – cảnh báo hiệu suất để cải tiến – điều chỉnh mục tiêu kịp thời.

Nguyên nhân thứ hai là doanh nghiệp xây dựng KPI với quá nhiều quy trình chuẩn hóa trong thẻ điểm cân bằng, xác lập rất chặt chẽ quy trình giữa các đơn vị và cá nhân; trong khi lại không chú trọng xác lập hệ thống mục tiêu của các quy trình đó, hay kết quả của các quy trình đó không lượng hóa được.

Khi đến cuối kỳ của quy trình không đo lường đánh giá được kết quả của nhân viên cũng như tổ chức đã đạt được là gì. Với cách thức xây dựng hệ thống KPI như trên, hệ thống đánh giá sẽ sai lệch so với mục tiêu ban đầu của doanh nghiệp về KPI, coi như là không thành công.

Lãnh đạo doanh nghiệp thiếu quyết tâm

Một trong những lý do quan trọng khiến doanh nghiệp thất bại trong áp dụng KPI là thiếu sự quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp
Một trong những lý do quan trọng khiến doanh nghiệp thất bại trong áp dụng KPI là thiếu sự quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp

Nguyên nhân thứ ba là hệ thống khi triển khai chưa có được sự nhất quán, tạo thành một văn hóa “Just do it – Hãy làm ngay”. Thiếu đi khí thế động lực là do sự truyền đạt của người triển khai chưa có chất “lửa” trong dự án, chưa làm cho người lao động nhận thức đúng về KPI; lý do có thể do chưa được sự đồng thuận của đội ngũ quản lý.

Với nguyên nhân này, người lao động xem KPI như một công cụ của quản lý giám sát mình chứ không phải công cụ để bản thân mình theo dõi kết quả của chính mình để cải tiến, điều này dẫn tới các hệ lụy của cả hệ thống.

Nguyên nhân thứ tư là thiếu sự quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp. Khi có định hướng xây dựng KPI, người lãnh đạo chưa được tham mưu để hiểu đúng các yêu cầu khi xây dựng KPI cho doanh nghiệp mình, xem việc triển khai KPI giống như là cách tạo lớp vỏ “công ty tôi cũng quản trị theo KPI”.

Nguyên nhân thứ năm là năng lực của nhóm triển khai nội bộ. Đặc trưng của KPI là theo dõi cả một quá trình liên tục để theo đuổi mục tiêu của cả tổ chức, nhưng khi hoàn thành KPI nhóm triển khai nội bộ này thường cũng tan giã luôn trở về với công việc thường ngày.

Điều này là sai lầm, vì KPI luôn cần phải có một người hay một nhóm chuyên trách để theo dõi và tổng hợp, để đưa ra cảnh báo kịp thời, không thể để đến khi cuối kỳ mới cảnh báo sẽ vô nghĩa.

Nguyên nhân thứ sáu liên quan đến việc xác lập hệ thống tiêu chí, xác lập mục tiêu chưa rõ ràng, các thước đo cũng như chỉ tiêu đánh giá không phù hợp.

Nguyên nhân thứ bảy cũng là nguyên nhân cuối cùng được tổng hợp là nguyên nhân liên quan đến việc doanh nghiệp thiếu sự chuẩn bị tốt các nguồn lực để thực hiện.

Doanh nghiệp cứ nghĩ rằng sẽ xây dựng một công cụ đánh giá nên không có sự tập hợp tổng nguồn lực của tổ chức để phối hợp thực hiện. Một số khác do chạy chỉ tiêu nên cứ thế áp đặt vấn đề vào khuôn khổ mà không quan tâm tính phù hợp của giải pháp...

 

KPI có thể bao gồm lợi nhuận, số lượng bán hàng, doanh thu, chi phí trung bình hàng năm... Việc phân tích KPI thường xuyên giúp cung cấp một cái nhìn tổng quan chắc chắn về hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp, nhằm có những điều chỉnh cần thiết.