"Điểm danh" các thách thức của doanh nghiệp khi áp dụng TQM
TQM là một trong các phương thức quản lý hữu hiệu để cải tiến chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, sự quan tâm cũng như việc áp dụng hệ thống quản lý này còn nhiều hạn chế.
Tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp áp dụng TQM còn rất ít, tập trung vào một số doanh nghiệp lớn, có tiềm năng tài chính như: Sony, Vinamilk, Cadivi, Matsushita... Theo các chuyên gia, có thể chỉ ra 4 khó khăn nổi cộm mà các doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt khi áp dụng TQM.
Thứ nhất, nhận thức về TQM và hạn chế từ phía ban lãnh đạo: Nhận thức được xem là rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi tiếp cận hệ thống quản lý TQM.
Một cuộc khảo sát với 45 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, 40/45 doanh nghiệp cho rằng lý do khiến họ khó tiếp cận và xây dựng hệ thống TQM là do không hiểu rõ về hệ thống này.
Một trong các nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ trình độ quản lý và trình độ quản lý chất lượng của các chủ doanh nghiệp. Họ còn quá yếu trong các kiến thức về quản lý chất lượng cũng như áp dụng các công cụ quản lý chất lượng.
Thứ hai là hạn chế về tài chính: Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt nam đều có năng lực tài chính thấp thể hiện ở chỗ cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu thốn, trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu, không có nơi sản xuất ổn định hay trình độ chuyên môn và quản lý còn thấp.
Chính vì thế, họ khó có thể đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh chứ chưa nói tới đầu tư cho việc quản lý chất lượng. Bởi, để xây dựng hệ thống TQM đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư một khoản chi phí rất lớn, bao gồm chi phí cho hoạt động tư vấn, đào tạo TQM, tổ chức thực hiện, kỹ thuật áp dụng, phần mềm thống kê, hoạt động quản lý và hành chính…
Thứ ba là hạn chế về thói quen lao động và môi trường làm việc: Hiện nay, môi trường làm việc của người lao động trong các doanh nghiệp Việt còn hạn chế. Người lao động vẫn chưa quen với việc làm việc nhóm mà thường thích làm việc một cách độc lập, dẫn đến việc trao đổi thông tin nội bộ không hiệu quả và đây cũng là một trong những hạn chế khi áp dụng TQM.
Trong khi đó, việc áp dụng hệ thống TQM cần huy động sự tham gia của tất cả mọi người vào hoạt động cải tiến chất lượng thông qua hoạt động của nhóm kiểm soát chất lượng.
Đồng thời, TQM còn đòi hỏi nhà quản lý phải xây dựng được các mối quan hệ cởi mở, thân mật và phát huy tinh thần sáng tạo của nhân viên. Vì vậy, để việc áp dụng hệ thống TQM đạt hiệu quả nhất, các doanh nghiệp cần huấn luyện về cách thức, kỹ năng làm việc nhóm và các công cụ cần phải áp dụng cho quá trình làm việc nhóm.
Thứ tư là hạn chế về công cụ quản lý: Việc trang bị cho người lao động các công cụ quản lý để tham gia vào quá trình cải tiến chất lượng còn ở mức hạn chế và chưa được chú trọng.
Những người lao động trong các nhà máy có trình độ hạn chế, hầu hết đều là công nhân phổ thông hoặc học nghề nên việc tìm hiểu các công cụ cải tiến chất lượng cũng sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, hoạt động đào tạo của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế và chưa phù hợp với đối tượng người học là những người công nhân. Vì vậy, việc triển khai hệ thống TQM cũng gặp nhiều khó khăn và vướng mắc.