Điểm nhấn phát triển kinh tế tháng 1/2017
Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2017 có nhiều điểm quan ngại, ngay từ những ngày đầu năm 2017, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2017 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhìn chung kinh tế Việt Nam tháng 1/2017 đã ghi nhận nhiều điểm tích cực.
Các hoạt động sản xuất tiếp tục phát triển khá ổn định, trong đó: Nông nghiệp dịch bệnh không xảy ra, sản lượng tôm đạt khá nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, giá cả ổn định.
Gieo trồng ở khu vực phía nam chậm do mưa úng diện rộng. Đến thời điểm 15/1/2017, cả nước gieo cấy được 1.824,8 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 96,3% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía bắc đạt 77,3 nghìn ha, bằng 114,2%; các địa phương phía nam đạt 1.747,5 nghìn ha, bằng 95,7%, riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.453,6 nghìn ha, bằng 96,6%, do ảnh hưởng của mưa lớn gây ngập úng trên diện rộng vừa qua.
Hơn 100 nghìn ha lúa đông xuân sớm trong đê bao ở đồng bằng sông Cửu Long đã cho thu hoạch, tăng hơn 30% so cùng kỳ năm 2016. Ước tính tháng 1/2017, đàn trâu cả nước giảm 0,1% so cùng kỳ năm trước; đàn bò tăng 2-2,3%; đàn lợn tăng 4-5,2%; đàn gia cầm tăng 4,5-5%; sản lượng thủy sản khai thác tăng 0,8% (cá giảm 1,1%; tôm tăng 14,1%); sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 2,4% (cá giảm 0,7%; tôm tăng 19,8%).
Đặc biệt trong nông nghiệp, một tín hiệu rất đáng mừng trong tháng 1 và thời gian vừa qua là có nhiều doanh nghiệp, nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, mở ra hướng đi mới, tạo khí thế mới, sức bật mới trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1/2017 tiếp tục tăng, dù chỉ ở mức 0,7% so cùng kỳ năm trước. Theo truyền thống, tốc độ tăng trưởng công nghiệp tháng đầu và quý đầu năm thường thấp gắn với thời gian nghỉ Tết, lễ hội kéo dài và tiến độ các hoạt động đàm phán, ký kết và chuẩn bị đầu tư của nhiều doanh nghiệp...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tết Nguyên đán có sự cải thiện rõ rệt, ước đạt 330,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6% so tháng trước và tăng 9,9% so cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,7%. Nhu cầu ngày Tết đã ảnh hưởng đến kết quả báo cáo mới đây của Nikkei Market về "Chỉ số nhà quản trị mua hàng" (PMI) của Việt Nam trong tháng 1/2017, đạt 51,9 điểm, cao hơn mức bình quân của các nước ASEAN.
Đặc biệt, doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 3,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so tháng trước và tăng 30,7% so cùng kỳ năm trước, do tác động của yếu tố mùa vụ và xu hướng đi du lịch nước ngoài trong dịp Tết ở một bộ phận dân cư. Lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 1/2017 cũng tăng vọt, đạt hơn một triệu lượt người, tăng 23,6% so cùng kỳ năm trước, do bà con Việt kiều về quê ăn Tết và nhu cầu đi du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ đông ở các nước châu Âu, châu Mỹ. Lượng khách đến Việt Nam gia tăng mạnh gắn với không chỉ nguồn tài nguyên du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch, mà còn do Việt Nam tích cực cải thiện các điều kiện thị thực cho các du khách từ các thị trường tiềm năng.
Đáng lưu ý, từ ngày 1/2/2017, Việt Nam bắt đầu thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử (E-visa) trong hai năm (2017-2018) cho công dân 40 nước theo Nghị định 07/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/1/2017. Đây được coi là điểm đột phá để ngành du lịch tiếp tục tăng tốc và nâng cao chất lượng phát triển bền vững và ngày càng khẳng định mình theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 16/1/2017, về Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành kinh tế xanh phát triển hàng đầu khu vực Đông - Nam Á.
Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá USD khá ổn định. Điểm tích cực là dù tăng quy mô bán lẻ song giá cả thị trường khá ổn định, không có sự tăng giá bất thường nào. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2017 tăng 0,46% so tháng trước, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất với 3,21%, chủ yếu do tác động của tăng giá xăng, dầu; thuốc và dịch vụ y tế; đồ uống và thuốc lá và do nhu cầu tiêu dùng cho Tết Nguyên đán tăng lên; Lạm phát cơ bản tháng 1/2017 tăng 0,28% so tháng trước và tăng 1,88% so cùng kỳ năm trước.
Những kết quả trên có được là nhờ các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị đã chủ động dự trữ hàng hóa, nguyên liệu và các cấp, các ngành tích cực triển khai, thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 17/12/2016, của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán.
Đáng lưu ý trong chăn nuôi, giá thịt lợn hơi bị giảm mạnh (chỉ còn 24.000-27.000 đồng/kg, thấp nhất trong 10 năm qua), trong khi giá thịt bán lẻ lại không giảm. Giá lúa cũng giảm, trong khi giá gạo không giảm, khiến cả người trực tiếp chăn nuôi, trồng lúa và người tiêu dùng đều bị thiệt thòi.
Xuất khẩu có sự cải thiện đối với cả hai khu vực trong nước và nước ngoài. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2017 tăng 7,6% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2017 ước tăng 15,8% so cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 15,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16%.
Tháng 1/2017, cả nước ước tính nhập siêu 100 triệu USD (khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 1,9 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất khẩu 1,8 tỷ USD). Nhập siêu trong tháng 1-2017 được giải thích chủ yếu do tăng nhập hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán.
Khu vực doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện cả về số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Trong tháng 1/2017, cả nước có 8.990 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 90,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% về số doanh nghiệp và tăng 52,3% về số vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2016; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 40,9%. Các doanh nghiệp đang hoạt động tăng vốn thêm 114,6 nghìn tỷ đồng. 5.564 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 14,2%.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 1.583 doanh nghiệp, tăng 18,3% so cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 13.289 doanh nghiệp, tăng 6,7% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể của hầu hết các ngành đều giảm so cùng kỳ năm trước.
Những động thái này cho thấy về tổng thể môi trường và cơ hội đầu tư trong nước tiếp tục được cải thiện, nhất là trong lĩnh vực vực nông nghiệp và dịch vụ, dù áp lực cạnh tranh và yêu cầu cải thiện năng lực cạnh tranh thị trường của nhiều doanh nghiệp nhỏ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đang tiếp tục gia tăng...
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, dù có sự cải thiện tiến độ. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 1/2017 ước tính 15.203 tỷ đồng, bằng 5,3% kế hoạch năm và tăng 1,9% so cùng kỳ năm 2016, trong đó vốn trung ương quản lý đạt 3.325 tỷ đồng, bằng 4,8% kế hoạch năm và giảm 5,2% so cùng kỳ năm trước; Vốn địa phương quản lý đạt 11.878 tỷ đồng, bằng 5,4% kế hoạch năm và tăng 4% so cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh những dự án đầu tư bị đắp chiếu vì nhiều lý do hoặc không hiệu quả, thua lỗ, sự chậm trễ giải ngân của nhiều dự án đầu tư công, trong đó có 18 dự án có tổng quy mô hơn chục nghìn tỷ đồng hiện vẫn chưa giải ngân được 50% tổng mức đầu tư, đã, đang và sẽ có ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung và các hoạt động đầu tư khác trong toàn bộ nền kinh tế, cũng như làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư xã hội nói chung, bản thân các dự án đầu tư công nói riêng.
Điều này đòi hỏi sự quyết liệt hơn của Chính phủ trong đôn đốc rà soát, báo cáo giải trình và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục trong đầu tư công, cũng như tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm xiết chặt kỷ cương, nâng cao chất lượng và trách nhiệm cá nhân trong lập, thẩm định và chỉ đạo thực hiện dự án; tăng cường các hoạt động hậu kiểm và công tác thông tin trong toàn bộ quá trình triển khai thực hiện dựa án đầu tư công.
Đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng mạnh mẽ cả về số dự án và vốn đăng ký mới, vốn bổ sung cũng như vốn thực hiện.
Tính đến 20/1/2017, cả nước thu hút 175 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 1.243,8 triệu USD, tăng 37,8% về số dự án và tăng 23% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra, 76 lượt dự án tăng vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 179,2 triệu USD. Tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung đạt 1.423 triệu USD, tăng 6,6% so cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng 1/2017 ước tính đạt 850 triệu USD, tăng 6,3% so cùng kỳ năm 2016.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng vượt trội, với số vốn đăng ký đạt 834,9 triệu USD, chiếm 67,1% tổng vốn đăng ký cấp mới (nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung đạt 1.013,4 triệu USD, chiếm 71,2% tổng vốn đăng ký); hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 297,4 triệu USD, chiếm 23,9%. Sự gia tăng tiếp tục dòng quy mô và cơ cấu ngành công nghiệp trong đầu tư FDI cho thấy tiềm năng và kết quả tích cực thực tế trong cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.
Nhưng sự thưa vắng các nhà đầu tư đến từ các nước phát triển châu Âu và Mỹ trong danh sách các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam cho thấy còn cần những động thái mới về cải thiện môi trường đầu tư và cơ cấu kinh tế phù hợp, cũng như cần thêm nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư mạnh, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn…
An sinh xã hội được quan tâm tốt, nhưng an toàn giao thông và an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn nhiều áp lực.
Nhìn chung, Tết cổ truyền Đinh Dậu 2017 được tổ chức đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn; tạo không khí vui mừng, phấn khởi, tin tưởng trên khắp cả nước. Đây là năm đầu tiên không tổ chức bắn pháo hoa tại các địa phương, nhưng thực tế đặt ra nhu cầu xây dựng và duy trì “tín hiệu quốc gia” cho thời khắc giao thừa, tạo không khí tâm linh vui tươi, phấn khởi.
Thị trường hàng hóa Tết khá phong phú, bảo đảm chất lượng với giá cả ổn định; hàng Việt chiếm tỷ trọng cao; công tác chống buôn lậu được triển khai mạnh mẽ. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, cung ứng tiền mặt trước, trong và sau Tết được bảo đảm.
Các đối tượng chính sách, người có công được Nhà nước quan tâm đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã chuyển quà Tết đến hơn hai triệu người có công với tổng số tiền 431 tỷ đồng; cấp phát hơn 14.000 tấn gạo cứu đói cho gần 300.000 hộ; các địa phương đã trích ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào nhân dịp Tết. Nhiều tổ chức, cá nhân đã có những nghĩa cử tốt đẹp giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn (tổng số tiền ước tính 400 tỷ đồng).
Bối cảnh kinh tế thế giới năm 2017 có nhiều điểm quan ngại gắn với hoạt động thương mại, tài chính và đầu tư kém thuận lợi, tình trạng mất cân đối trên toàn cầu gia tăng trước những rào cản thương mại của các nền kinh tế phát triển do sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, nguy cơ trả đũa thương mại, sự khởi động những đàm phán gắn với Brexit, sự biến động mạnh tỷ giá của một số đồng tiền và gia tăng giá dầu mỏ, cùng với khả năng thay đổi chính sách ở Mỹ dưới thời Tổng thống mới… Tuy nhiên, một sự lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2017 vẫn là gam mầu chủ đạo trong các dự báo của hầu hết các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới.