Cả nước đã có 14,6 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, ước đến ngày 31/5/2019, cả nước đã có 14,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 347 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 12,87 triệu người và bảo hiểm y tế (BHYT) là 84 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số.
Ngoài ra, toàn ngành BHXH đã thu được 33.545 tỷ đồng, lũy kế hết tháng 5/2019 thu được 136.038 tỷ đồng, đạt 37,8% kế hoạch cả năm; trong đó thu BHXH 91.796 tỷ đồng, thu BHTN 6.892 tỷ đồng, thu BHYT 37.350 tỷ đồng.
Ngành BHXH cũng đã giải quyết 10.503 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 93.232 người hưởng trợ cấp 1 lần; 904.835 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, ước toàn ngành đã giải quyết 47.969 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 346.972 người hưởng trợ cấp 1 lần; 4.132.086 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Trong tháng 5, cả nước có khoảng 15,4 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) BHYT; lũy kế 5 tháng đầu năm 2019 đã có 72,561 triệu lượt người KCB BHYT; giải quyết cho 93.280 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 3.258 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề, theo đó, 5 tháng đầu năm, ước giải quyết cho 280.084 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 13.693 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.
Thống kê cũng cho thấy, tháng 5 ước số chi BHXH, BHYT, BHTN là 24.947 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 5/2019, ước số chi BHXH, BHYT, BHTN là 123.230 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch cả năm; trong đó: chi BHXH từ nguồn Ngân sách Nhà nước là 16.897 tỷ đồng, chi BHXH từ nguồn quỹ BHXH là 62.294 tỷ đồng, chi từ nguồn quỹ BHTN là 4.315 tỷ đồng và ước chi KCB BHYT từ nguồn quỹ BHYT là 39.722 tỷ đồng.
Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 1458/QĐ-BHXH ngày 02/11/2018 của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam ban hành kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2019 toàn ngành BHXH đã đẩy mạnh thực hiện công tác này và đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, tính đến ngày 15/5/2019, tổng số đơn vị sử dụng lao động được thanh tra, kiểm tra của toàn ngành là 6.427 đơn vị, trong đó số đơn vị được thanh tra chuyên ngành là 2.589 đơn vị; số đơn vị được kiểm tra là 2.938 đơn vị; số đơn vị được thanh tra, kiểm tra liên ngành là 900 đơn vị.
Qua triển khai thanh tra, kiểm tra về đóng BHXH, BHTN, BHYT đã phát hiện số lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian phải tham gia là 7.291 lao động; số tiền truy đóng do chưa đóng, đóng thiếu thời gian là 29.134 triệu đồng; số lao động đóng không đúng đối tượng, đóng thừa thời gian là 898 lao động; số tiền thoái thu, hoàn trả do đóng không đúng đối tượng là 1.185 triệu đồng.
Riêng số lao động đóng không đúng mức quy định là 7.577 lao động; số tiền truy đóng do đóng thiếu mức quy định là 7.299 triệu đồng; số tiền các đơn vị được thanh tra, kiểm tra nợ khi có Quyết định là 934.117 triệu đồng; số tiền nợ đơn vị đã nộp là 583.212 triệu đồng; quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành là 161 quyết định, số tiền xử phạt phải thu là 5.738 triệu đồng; số tiền xử phạt đã thu là 2.682 triệu đồng.
Để đạt những kết quả đầy khích lệ trong công tác TTKT là nhờ vào lực lượng TTKT không ngừng được củng cố, có chuyên môn. Theo BHXH Việt Nam, hiện nay, cơ cấu tổ chức hoạt động TTCN của ngành BHXH được thực hiện theo mô hình hai cấp, gồm ở Trung ương là Vụ TTKT (5 phòng nghiệp vụ); ở địa phương là Phòng TTKT trực thuộc BHXH tỉnh, thành phố.
Tính đến hết năm 2018, toàn ngành BHXH đã có 1.142 cán bộ được đào tạo; trong đó có 180 công chức được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên và 962 viên chức được cấp chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ TTCN về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; 137 công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trưởng đoàn TTCN. Đội ngũ cán bộ ngành BHXH chính thức được Tổng giám đốc BHXH Việt Nam giao thực hiện nhiệm vụ TTCN là 646 người (gồm 136 công chức, 510 viên chức).
Năm 2019, ngành BHXH tiếp tục phối hợp với Trường Cán bộ thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ, tổ chức đào tạo 12 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên (mỗi lớp từ 50-70 học viên) cho đối tượng là công chức, lãnh đạo các phòng nghiệp vụ có liên quan của BHXH tỉnh, thành phố; giám đốc, phó giám đốc phụ trách BHXH cấp huyện.
Ngoài lực lượng cán bộ làm công tác TTKT lực lượng cán bộ thu, thu nợ, cán bộ cấp huyện được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ TTKT luôn sẵn sàng bổ sung vào các đoàn thanh tra đáp ứng đủ cho việc tổ chức thực hiện TTCN về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT.
Với những kết quả đạt được trong tháng 5, trong tháng 6 ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành ở Trung ương; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, đặc biệt là mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tăng cường quản lý chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, chi trả trợ cấp BH thất nghiệp thông qua rà soát với các phần mềm nghiệp vụ; đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua tổ chức dịch vụ công ích của nhà nước; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ…
Đặc biệt, BHXH Việt Nam sẽ đẩy mạnh công tác TTCN, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT; tăng cường kiểm soát chi phí KCB BHYT đối với các cơ sở KCB có cảnh báo từ Hệ thống thông tin giám định BHYT; thúc đẩy giao dịch điện tử; quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan BHXH và trên trục liên thông của Chính phủ; hoàn thiện và chuẩn bị các điều kiện để triển khai Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.