Bước chuyển mới trong phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách an sinh xã hội nhân văn của Nhà nước nhằm giúp những người lao động không chính thức khi hết độ tuổi sẽ có chế độ lương hưu để ổn định cuộc sống. Mặc dù vậy, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn... Với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, kỳ vọng sẽ có những bước chuyển mới tích cực trong việc phát triển đối tượng BHXH tự nguyện.
Nhiều khó khăn, bất cập trong thu hút người dân
Thực tế tại địa bàn TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho thấy, để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, thời gian qua, BHXH TP. Hạ Long đã thực hiện rất nhiều biện pháp (từ vận động tuyên truyền ở các phường, đến phát triển các đại lý để người dân thuận tiện tiếp cận dịch vụ). BHXH Thành phố đã tham mưu cho UBND Thành phố giao chỉ tiêu cho các phường trong phát triển đối tượng BHXH tự nguyện. Nhờ vậy mà trước đây, các phường không có trường hợp nào tham gia BHXH tự nguyện thì năm 2018 đã có 165 người tham gia trong đó phường Yết Kiêu chiếm đông nhất với 120 trường hợp, qua đó góp phần đưa tổng số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn Thành phố lên 905 trường hợp.
Tỷ lệ người dân trên cả nước tham gia BHXH tự nguyện tăng hàng năm và đến nay đạt khoảng 243.000 người, trong số này chỉ có 30% là đối tượng mới tham gia, 70% còn lại là những người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, TP. Hạ Long chỉ là một trong số ít địa phương có chuyển biến tích cực về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Theo thống kê của BHXH tỉnh Quảng Ninh, tính đến hết tháng 10/2018, toàn Tỉnh có 4.510 trường hợp tham gia BHXH tự nguyện. Con số này gần như không tăng so với mọi năm. Số trường hợp trên chủ yếu rơi vào trường hợp đã từng tham gia BHXH bắt buộc khi làm việc ở các doanh nghiệp, đơn vị, nhưng vì lý do chấm dứt hợp đồng, không làm việc hoặc đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH nên được vận động tiếp tục tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện. Còn việc phát triển các đối tượng là tiểu thương, lao động tự do, nông dân, ngư dân... tham gia BHXH tự nguyện hiện nay trên địa bàn vẫn chưa có nhiều chuyển biến, mặc dù thời gian qua, ngành BHXH Tỉnh đã áp dụng rất nhiều biện pháp.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, BHXH Tỉnh còn mở rộng lên tới 165 đại lý BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tại các phường, xã, thị trấn, các trạm y tế trên địa bàn. Các đại lý này đều được giao chỉ tiêu phát triển đối tượng BHXH tự nguyện, BHYT... Cùng với đó, BHXH tỉnh Quảng Ninh thường xuyên bám sát danh sách doanh nghiệp từ cơ quan thuế, các sở, ngành của Tỉnh, từ đó phân loại đơn vị đang hoạt động, thực tế lao động làm việc, chấm dứt hợp đồng... để kịp thời tuyên truyền đến đối tượng tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
Thống kê từ BHXH Việt Nam cho thấy, trong tháng 2/2019, BHXH tự nguyện tăng thêm 15.000 người, nâng số người tham gia BHXH tự nguyện lên gần 300.000 người. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn ở mức thấp, chỉ chiếm gần 1% trong tổng số khoảng 35 triệu lao động khu vực phi chính thức - đối tượng chính của BHXH tự nguyện.
Trong những năm qua, tỷ lệ người dân trên cả nước tham gia BHXH tự nguyện tăng hàng năm và đến nay đạt khoảng 243.000 người, trong số này chỉ có 30% là đối tượng mới tham gia, 70% còn lại là những người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Ngoài ra, việc thu hút lao động trong khu vực phi chính thức cũng còn nhiều hạn chế, tỷ lệ thấp.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện còn thấp là do một số nguyên nhân sau: Chính sách BHXH tự nguyện mặc dù đã được thiết kế ưu việt về quyền lợi nhưng tính hấp dẫn còn chưa cao trong bối cảnh đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện là người lao động thuộc khu vực phi chính thức, tính chất công việc không ổn định, mặt bằng bình quân thu nhập thấp, điều kiện kinh tế còn khó khăn; thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu dài (20 năm); mức hỗ trợ từ NSNN còn thấp.
Bên cạnh đó là việc tổ chức thực hiện chính sách chưa có những giải pháp đột phá trong tiếp cận, vận động đối tượng do chưa có cơ chế hoa hồng đủ sức hấp dẫn đối với các đại lý thu BHXH; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH mặc dù đã có những bước tiến nhưng vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin về BHXH, đăng ký tham gia; các phương pháp giao dịch, đăng ký và thu nộp chưa đa dạng và tiện lợi.
Đồng bộ các giải pháp tăng tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện
Chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện ở nước ta từ ngày 1/1/2008, áp dụng đối với người không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Chính sách BHXH tự nguyện ra đời được sự đón nhận tích cực của người dân, đặc biệt là những người đã gần hết tuổi lao động, nhưng chưa tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, cả nước có 55 triệu người trong độ tuổi lao động, khoảng 40 triệu người chưa tham gia BHXH. Đây là cơ hội tốt để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nhưng thực tế, số người tham gia loại hình này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, BHXH Việt Nam sẽ có những thay đổi để nâng cao hơn nữa công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, như: Thay đổi cơ chế tài chính ưu tiên cho phát triển, mở rộng đối tượng, lấy khách hàng là trung tâm; công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật cũng gắn với kết quả hoạt động trong phát triển đối tượng; đưa ra nhiều gói tỷ lệ hoa hồng cho người phát triển đối tượng, ưu tiên cho phát triển bền vững, tham gia lâu dài; tăng cường tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ đại lý. Đồng thời, từ thực trạng triển khai ở các địa phương, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường mở rộng, kiểm tra, giám sát hoạt động của các hệ thống đại lý thu; tập trung đào tạo đội ngũ cộng tác viên ngoài ngành (là thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến xã…), qua đó lựa chọn, xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền phù hợp từng nhóm đối tượng; nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng tham gia; giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia cho từng đại lý thu; đánh giá và khen thưởng kịp thời.
Đánh giá được những hạn chế trong thực hiện chính sách thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã trình Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH, trong đó đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; đến năm 2025 đạt khoảng 2,5% và đến năm 2030 đạt khoảng 5%.
Để đạt được mục tiêu Trung ương đã đề ra, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp quan trọng như: Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung chính sách theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng xuống còn 15 năm, tiến tới còn 10 năm; nâng mức hỗ trợ cho người dân tham gia BHXH tự nguyện phù hợp với khả năng của NSNN; thực hiện thí điểm gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân; gắn quyền lợi tham gia BHXH tự nguyện với các ưu đãi khác của Nhà nước (ví dụ ưu đãi vay vốn sản xuất kinh doanh); giao chỉ tiêu phát triển tham gia BHXH cho các địa phương. Tăng cường chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm công tác thu BHXH tự nguyện; tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu BHXH tự nguyện; đẩy mạnh việc thực hiện thu, chi BHXH tự nguyện qua ngân hàng; đa dạng mạng lưới cung cấp dịch vụ.
Để triển khai thành công nhiệm vụ này, công việc rất quan trọng là cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể chính trị các địa phương cả nước cần tăng cường lãnh đạo, điều hành, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền chính sách BHXH thường xuyên và liên tục với nhiều hình thức tuyên truyền bảo đảm các đối tượng được tiếp cận đầy đủ thông tin, nâng cao nhận thức của mọi người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHTN. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các sở, ban, ngành trong triển khai kế hoạch, tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH theo Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH.
Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách BHXH của cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp, thực hiện nghiêm các biện pháp xử phạt theo quy định, xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về BHXH. Bên cạnh đó phải bắt buộc tăng cường vai trò của các đại lý thu, các tuyên truyền viên mang thông tin một cách đầy đủ và chính xác về chính sách, quy định của các văn bản quy định về bảo hiểm đến tận người dân, đây là hoạt động hết sức quan trọng trong công tác vận động người dân tham gia các loại hình BHXH...