Điểm nhanh sự kiện tiền tệ trong nước nổi bật tuần qua

PV.

Tuần qua (từ ngày 6/2 - 11/2/2017) có nhiều sự kiện tiền tệ trong nước nổi bật thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận như: Đang hoàn thiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; tỷ giá thị trường tăng nhẹ; giới hạn số tiền cho vay đối với các công ty tài chính tiêu dùng… Tạp chí Tài chính điểm lại một số nội dung đáng chú ý.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đang hoàn thiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này hiện đang hoàn thiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị. Trên cơ sở phê duyệt và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đối với Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng kế hoạch cũng như tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, toàn diện các giải pháp tại Đề án.

Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm 2016 và đầu năm 2017 có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng khá trên nhiều mặt; mức độ an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng được duy trì bền vững; đặc biệt là năng lực tài chính của tổ chức tín dụng tiếp tục được cải thiện so với các năm trước. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 3%.

Tỷ giá thị trường tăng nhẹ

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 28 đồng với 4 ngày tăng giá, 1 ngày giảm giá và 1 ngày không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 11/2), tỷ giá trung tâm là 22.224 VND/1USD, không đổi so với ngày 10/2, tỷ giá giao dịch tại một số ngân hàng thương mại có sự điều chỉnh nhẹ.

Cụ thể, tại ngân hàng Vietcombank, tỷ giá được niêm yết ở chiều mua vào và bán ra là 22.610 - 22.680 VND/1USD, tăng 5 đồng ở cả hai chiều; Tại DongABank, tỷ giá mua vào - bán ra giảm 10 đồng ở cả hai chiều là 22.610 - 22.680 VND/1USD; Tại BIDV, tỷ giá niêm yết ở chiều mua vào và bán ra là 22.610 - 22.680 VND/1USD; Tại Vietinbank, tỷ giá niêm yết ở chiều mua vào và bán ra là 22.605 - 22.680 VND/1USD, giảm 5 đồng ở chiều mua vào và giữ nguyên ở chiều bán ra; Tại ACB, tỷ giá mua vào và bán ra niêm yết là 22.600 - 22.680 VND/1USD, giảm 20 đồng ở chiều mua vào và giảm 10 đồng ở chiều bán ra; Tại Eximbank, tỷ giá ở chiều mua vào và bán ra với mức niêm yết là 22.600 - 22.680 VND/1USD, giảm 20 đồng ở cả hai chiều.

Giới hạn số tiền cho vay đối với các công ty tài chính tiêu dùng

Từ ngày 15/3/2017, công ty tài chính tiêu dùng không được cho một khách hàng vay quá 100 triệu đồng (tổng dư nợ). Tuy nhiên, mức tổng dư nợ này không áp dụng đối với hình thức cho vay tiêu dùng để mua ô tô và sử dụng ô tô làm tài sản đảm bảo cho chính khoản vay đó. Đó là quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các công ty tài chính phải ban hành quy định về mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng để áp dụng thống nhất và phải gửi cho Ngân hàng Nhà nước để cơ quan này giám sát. Bên cạnh đó, trên hợp đồng cho vay tiêu dùng, công ty tài chính tiêu dùng phải nêu rõ mục đích vốn vay, thời hạn trả nợ, phương thức cho vay, lãi suất, quy định về việc trả nợ trước hạn cũng như các biện pháp nhắc và thu hồi nợ, chế tài áp dụng và biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không trả đúng hạn.

Ngân hàng Nhà nước xây dựng đề án chống đô la hóa và vàng hóa

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV giao. Theo đó, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng Đề án chống đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2017.

Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với nguyên tắc thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô; phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối phù hợp với điều kiện thực tế; điều hành tín dụng tăng trưởng phù hợp, chú trọng các lĩnh vực ưu tiên gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Kiểm soát chặt chẽ, xử lý hiệu quả nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại; xử lý và hạn chế đầu tư chéo, sở hữu chéo.

Chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ

Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước như vậy tại Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 7/2/2017 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghệ hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng.