Điểm sáng kinh tế sáu tháng đầu năm
GDP quý II ước tăng 7,72% so cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021; CPI được kiểm soát ngưỡng ở 2,44% trong bối cảnh giá xăng, dầu liên tục tăng, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào; doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 13,6% so cùng kỳ năm trước... là những điểm sáng kinh tế trong nửa đầu năm 2022.
GDP quý II tăng cao nhất thập kỷ
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, GDP quý II ước tăng 7,72% so cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. Tính chung nửa đầu năm nay, GDP tăng 6,42%, tương đương cao hơn tốc độ tăng 2,04% của nửa đầu năm 2020 và 5,74% của nửa đầu năm 2021, nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Về sử dụng GDP nửa đầu năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,06% so cùng kỳ năm trước, tích lũy tài sản tăng 3,92%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,1%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,41%. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,7%, còn khu vực dịch vụ tăng 6,6%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng gần 9,7%.
Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, mặc dù tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo giảm sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, song kinh tế Việt Nam vẫn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như: Thực hiện chính sách tài khóa - tiền tệ, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Đồng thời, SEA Games 31 tổ chức thành công góp phần thúc đẩy thương mại, du lịch, văn hóa sôi động hơn, tạo cú huých cho phục hồi kinh tế.
“Kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2022 của nước ta đã khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi đại dịch xuất hiện như: công nghiệp chế biến - chế tạo, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, xuất khẩu hàng hóa… Đáng chú ý, khu vực dịch vụ có sự trở lại ấn tượng so cùng kỳ các năm 2020 (0,49%) và 2021 (3,92%) với mức tăng 6,6%. Tuy thấp hơn so các năm 2014-2019 nhưng Tổng cục Thống kê cho rằng, triển vọng phục hồi của ngành dịch vụ là khá tích cực trong những tháng tới”, bà Hương nói.
CPI chỉ tăng 2,44%
Một điểm sáng nữa là chỉ số tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,44%, trong bối cảnh giá xăng, dầu liên tục tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng.
Theo bà Hương, các yếu tố làm CPI sáu tháng tăng là giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,9% do giá xi-măng, sắt thép, cát... tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng thêm 0,1%. Giá xăng dầu được điều chỉnh 16 lần, làm cho giá xăng A95 (RON 95) tăng 11.960 đồng/lít, xăng E5 tăng 11.540 đồng/lít, dầu diesel tăng 13.900 đồng/lít, so hồi đầu năm.
Bình quân sáu tháng giá xăng, dầu trong nước tăng 51,83% so cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,8%. Đồng thời, có tới 9 trong 11 nhóm hàng hóa tăng giá, như nhóm hàng ăn và dịch vụ đồ uống tăng 0,8%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,3%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,1%; giao thông tăng 3,6%; văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,5%.
Ngược lại, có ba nguyên nhân kéo giảm CPI chung, đó là giá thực phẩm sáu tháng giảm khoảng 0,4%; giá dịch vụ giáo dục giảm 3,5% do một số tỉnh, thành phố thực hiện giảm, miễn học phí; giá bưu chính-viễn thông giảm 0,5%.
Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, tình hình đăng ký doanh nghiệp ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại trong sáu tháng đầu năm lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn (116,9 nghìn doanh nghiệp), tăng 25,4% so cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong sáu tháng đầu năm 2022 là 76,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 13,6% so cùng kỳ năm 2021, gấp 1,2 lần so mức trung bình giai đoạn 2017-2021 (hơn 64 nghìn doanh nghiệp). Đặc biệt, đây là lần đầu số doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn sáu tháng đầu năm vượt mốc 70 nghìn doanh nghiệp và cũng là mức kỷ lục trong giai đoạn 2017-2021.
Mặc dù số doanh nghiệp đăng ký mới tăng nhưng vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong nửa đầu năm lại giảm 17,7% so cùng kỳ năm 2021 (11,6 tỷ đồng). Tuy vậy, sự thiếu hụt này đã được bù đắp nếu tính cả 1.847,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 27 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn. Theo đó, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 2.730 nghìn tỷ đồng, tăng 30,3% so cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có gần 40,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 55,6% so cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong sáu tháng đầu năm lên 116,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,4% so cùng kỳ năm trước.
“Những con số trên đã phần nào cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại sau hai năm dịch COVID-19 bùng phát”, bà Phí Thị Hương Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp-xây dựng (Tổng cục Thống kê) nhận định.
Dù vậy, Tổng cục Thống kê đánh giá, những khó khăn mà các doanh nghiệp hiện nay phải đối mặt vẫn vô cùng lớn. Đó là giá xăng, dầu tăng cao và nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm làm cho sản xuất bị gián đoạn; lưu thông hàng hóa ở một số thị trường bị gián đoạn dẫn đến thiếu hụt một số mặt hàng như thực phẩm, thuốc, phân bón, thiết bị y tế và thiết bị công nghệ thông tin trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó tác động lan truyền làm tăng chi phí sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chịu tác động lớn do dịch COVID-19, luôn trong tình trạng vừa tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vừa sản xuất, kinh doanh, vừa tìm kiếm thị trường mới…