Điểm tin kinh tế-tài chính nổi bật trong nước tuần vừa qua
GDP năm 2018 của Việt Nam đạt khoảng 6,9 - 7%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây; Đến giữa tháng 12, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 6,9 tỷ USD; Chỉ tiêu an toàn nợ công được đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội cho phép...là những tin kinh tế-tài chính trong nước nổi bật, được độc giả quan tâm trong tuần vừa qua (từ 17/12 đến 22/12/2018).
GDP năm 2018 của Việt Nam đạt khoảng 6,9 - 7%, cao nhất trong 10 năm
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - NFSC, tăng trưởng GDP năm 2018 của Việt Nam đạt khoảng 6,9 - 7%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây và cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (6,7%). Có được mức tăng trưởng này là nhờ các ngành công nghiệp chế biến chế tạo; ngành dịch vụ; nông, lâm thủy sản tăng trưởng tốt. Nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì và củng cố. Tổng cầu của nền kinh tế tăng khá, xuất khẩu và tiêu dùng tăng cao hơn cùng kỳ. Giá dịch vụ y tế giảm, giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng chậm lại và tín dụng được kiểm soát tốt cũng đã giúp lạm phát đạt được mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Dự báo năm 2019, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7%.
Đến giữa tháng 12, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 6,9 tỷ USD
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/12, cả nước nhập khẩu hơn 226 tỷ USD hàng hóa và xuất khẩu trị giá 233 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại tính tới thời điểm này đạt 6,9 tỷ USD. Dự báo năm 2018 Việt Nam xuất siêu kỷ lục.
Trong số 31 mặt hàng xuất khẩu chủ chốt có tới 19 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, dệt may xuất khẩu 29 tỷ USD; giầy dép các loại xuất khẩu đạt 15,4 tỷ USD; gỗ và thủy sản đều đạt 8,4 tỷ USD; xơ sợi, túi xách, rau quả, hạt điều, cà phê, gạo... là những mặt hàng tiếp theo đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD. Về nhập khẩu, Việt Nam chủ yếu nhập máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, điện thoại và các nguyên liệu phục vụ sản xuất như chất dẻo, sắt, kim loại, vải...
Chỉ tiêu an toàn nợ công được đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội cho phép
Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 11/2018, Chính phủ không thực hiện ký kết hiệp định vay vốn nước ngoài. Lũy kế 11 tháng, Chính phủ đã ký kết 14 hiệp định vay với tổng trị giá 1.250 triệu USD. Lũy kế 11 tháng đầu năm giải ngân khoảng 1.693 triệu USD tương đương khoảng 38,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó cấp phát khoảng 29.152 tỷ đồng, cho vay lại khoảng 9.781 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng đầu năm, giá trị trả nợ của Chính phủ là 188.290 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước là 145.440 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài là 42.850 tỷ đồng.
Dự kiến đến cuối năm 2018, các chỉ tiêu an toàn nợ công được đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội cho phép (nợ côngkhoảng 61,4% GDP; Nợ chính phủ khoảng 52,1% GDP; Nợ được Chính phủ bảo lãnh khoảng 8,7% GDP; nợ chính quyền địa phương khoảng 0,6% GDP).
Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư nóng nhất châu Á
Theo Tạp chí Forbes của Hoa Kỳ, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư nóng nhất châu Á trong năm 2018 với việc thu hút 17 tỷ USD vốn FDI cam kết - được cho là con số lớn nhất đối với một thị trường mới nổi so với GDP là 250 tỷ USD. Trong quý 1/2018, Việt Nam là thị trường IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) lớn thứ tư trong khu vực, vượt cả Hàn Quốc, Singapore và Australia. Thị trường bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh đang bùng nổ và GDP tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm.
Các yếu tố giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn bao gồm: Chính phủ Việt Nam đã thống nhất về tầm nhìn phát triển kinh tế tập trung vào việc cung cấp lao động hiệu quả cao phục vụ ngành sản xuất cho xuất khẩu cần nhiều lao động. Điều này thúc đẩy dòng vốn FDI kỷ lục - phần lớn từ các nền kinh tế châu Á phát triển hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc); sẵn sàng tận dụng cơ hội từ căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc khi các công ty nước ngoài tìm cách tái cấu trúc chuỗi cung ứng của họ; kế hoạch của Chính phủ về “cổ phần hóa” hàng trăm doanh nghiệp nhà nước; Việt Nam có lợi thế dân số trẻ, có học thức và đang nhanh chóng “đô thị hóa” với sức chi tiêu lớn chưa từng có…