Điểm tin kinh tế - tài chính quốc tế nổi bật tuần qua
Trong tuần từ ngày 06/8 đến ngày 10/08, chủ đề cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn đang được bình luận trên nhiều phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế. Ngoài ra, diễn biến của thị trường tiền số; Triển vọng thương mại điện tử của ngành hàng tiêu dùng nhanh toàn cầu... cũng là những tin kinh tế - tài chính quốc tế nổi bật trong tuần.
Trung Quốc có thể thắng cuộc chiến thương mại với Mỹ?
Tuần trước, trong động thái mới nhất, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo nâng thuế suất từ 10% lên 25% với hàng hóa Trung Quốc có giá trị 200 tỷ USD. Và trong vòng 24 giờ, Trung Quốc đã nhanh chóng đáp lại với danh sách hơn 5.200 sản phẩm của Mỹ bị áp thuế với giá trị 60 triệu USD. Trung Quốc đồng thời “cam kết” sẽ áp đặt đáp trả chính xác mức thuế mới tăng từ 5% lên 25% của Mỹ, nếu chính quyền Trump thực hiện lời đe dọa của mình.
Thị trường tiền số đã mất 600 tỷ USD trong năm nay
Cuộc bán tháo trên thị trường tiền số năm 2018 đã trở nên trầm trọng hơn vào hôm thứ Tư (8/8), sau khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) “dội gáo nước lạnh” vào hy vọng về sự ra đời của một quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) Bitcoin của giới đầu tư tiền số.
Thêm vào đó, việc SEC hoãn ra quyết định liệu có cho phép thành lập quỹ ETF Bitcoin hay không đã giáng một đòn mạnh vào các nhà đầu cơ giá lên tiền số – những người tin rằng sự chấp thuận của SEC sẽ giúp Bitcoin duy trì đợt phục hồi trong tháng trước.
Trung Quốc: Những vấn đề trong nước đáng quan ngại hơn chiến tranh thương mại
Trong một Báo cáo mới đây, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại hãng tư vấn TS Lambard (Anh) ông Jonathan Fenby cho biết: “Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, ổn định kinh tế trong nước,đuổi chương trình hiện đại hóa ‘Made in China 2025’, bảo vệ cơ cấu quyền lực do ông Đặng Tiểu Bình dày công xây dựng và theo đuổi những tham vọng mang tính toàn cầu hiện được coi là mối quan tâm lớn hơn là cuộc chiến thương mại với Mỹ”.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã làm cho tình hình thị trường toàn cầu xấu đi, gây tâm lý bất ổn trong giới kinh doanh trong những tháng gần đây. Ông Fenby cho rằng những tin tức bất lợi liên tục phát ra từ Nhà Trắng đã làm gián đoạn kế hoạch của Bắc Kinh và làm cho quốc gia này ngập ngừng trong việc nối lại đàm phán thương mại với Mỹ.
Mỹ đã chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc
Ngày 04/8 , Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng bào chữa cho việc sử dụng hàng rào thuế quan của ông gây sự căng thẳng với Trung Quốc và châu Âu, Ông nói, việc cứng rắn về thương mại là “sở trường của tôi”. “Chúng ta đã thực sự xây dựng lại Trung Quốc, và giờ là lúc chúng ta tái thiết đất nước của chính mình”, ông Trump nói trong một giờ đồng hồ phát biểu tự do tại cuộc biểu tình ở Columbus, Ohio. Ông nói thêm rằng, thị trường chứng khoán Trung Quốc đang rớt mạnh, qua đó làm giảm sức mạnh đàm phán của họ trong cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang này.Đến 2020, thương mại điện tử của ngành hàng tiêu dùng nhanh toàn cầu sẽ đạt doanh thu hơn 400 tỷ USD
Theo công bố của Công ty nghiên cứu Nielsen, doanh số bán hàng trực tuyến tiêu dùng nhanh đã tăng gấp 5 lần doanh số bán hàng tại các cửa hàng và đến năm 2020, thương mại điện tử của ngành hàng tiêu dùng nhanh toàn cầu sẽ đạt doanh thu hơn 400 tỷ USD, chiếm 10 - 12% tổng thị phần ngành hàng tiêu dùng nhanh. Có 6 yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu mua dùng hàng trực tuyến là: Tốc độ đô thị hóa; Quy mô hộ gia đình bị thu nhỏ lại; Giao thông ở các đô thị trở nên đông đúc; Sự chuyển dịch vai trò nam và nữ trong xã hội; Nhu cầu của mỗi thế hệ khác nhau và sự lan rộng của công nghệ.