IAEA: Điện hạt nhân tiếp tục phát triển trong những năm tới

Hà Anh

Theo một nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vừa công bố, dự kiến điện hạt nhân sẽ tiếp tục phát triển trên toàn cầu trong những năm tới, ngay cả khi sản lượng điện hạt nhân tăng trưởng chậm lại, do phải cạnh tranh với mức giá thấp củanhiên liệu hóa thạch và các nguồn năng lượng tái tạo khác.

Một lò phản ứng điện hạt nhân đang được xây dựng ở Ấn Độ. Nguồn: IAEA
Một lò phản ứng điện hạt nhân đang được xây dựng ở Ấn Độ. Nguồn: IAEA

“Năng lượng hạt nhân trong dài hạn sẽ tiếp tục có vai trò quan trọng trong các nguồn năng lượng của thế giới”, Phó Tổng giám đốc IAEA Mikhail Chudakov, nói.

Do dân số và nhu cầu sử dụng điện của các hộ gia đình ngày càng tăng, điện hạt nhân có thể đảm bảo cung ứng đủ điện sinh hoạt và an toàn trong khi giảm phát thải khí nhà kính. Nói cách khác, năng lượng hạt nhân có thể giúp hàng triệu người thoát khỏi “đói nghèo” năng lượng và chống lại biến đổi khí hậu trong tương lai gần.

Theo IAEA, dự kiến, sản lượng điện hạt nhân sẽ tăng từ 1,9% - 56% vào năm 2030, so với dự đoán hồi năm ngoái từ 2,4% - 68%. Cụ thể hơn, sản lượng điện hạt nhân của thế giới dự kiến sẽ đạt 390,2 GW vào năm 2030 trong trường hợp thấp. Trong trường hợp cao nguồn năng lượng này sẽ đạt khoảng 598,2 GW (1 GW bằng 1 tỷ W).

Khu vực Viễn Đông sẽ mở rộng sản xuất điện hạt nhân lớn nhất đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong trường hợp thấp, khả năng cung ứng điện hạt nhân ở khu vực này sẽ đạt 132,2 GW vào năm 2030 so với mức hiện nay (93,8 GW). Trong trường hợp cao, sản lượng điện hạt nhân ở khu vực này sẽ đạt 215,5 GW.

Ấn Độ đang là nước dẫn đầu về mở rộng dự án điện hạt nhân ở Trung Đông và Nam Á với sản lượng dự kiến đạt 27,7 GW vào năm 2030 trong trường hợp thấp so với 6,9 GW trong năm 2015 và có thể đạt tới 47,7 GW trong trường hợp cao.

Ở khu vực Đông Âu, Liên bang Nga và Belarus là hai quốc gia điển hình đang phát triển mở rộng điện hạt nhân. Nga đang xây dựng 7 lò phản ứng, trong khi Belarus cũng đang xây dựng 2 lò phản ứng đầu tiên. Trong trường hợp thấp ước tính sản lượng điện hạt nhân ở khu vực này đạt 49,9 GW vào năm 2030, giảm so với sản lượng hiện nay là 50,5 GW và trong trường hợp cao sản lượng có thể đạt 75,7 GW.

Khu vực Tây Âu sản lượng điện hạt nhân giảm lớn nhất sau sự cố Fukushima năm 2011. Đơn cử như Đức dự kiến sẽ giảm sản lượng điện hạt nhân xuống còn 77 GW vào năm 2030 so với mức 112,1 GW hiện nay.

Tương tự, sản lượng điện hạt nhân ở Bắc Mỹ đang có xu hướng giảm dần (trong trường hợp thấp đạt 92,5 GW vào năm 2030 so với mức sản lượng 112,7 GW hiện nay). Trong trường hợp cao ước tính sản lượng điện ở khu vực này sẽ đạt 126 GW.

Dự báo nhu cầu điện hạt nhân ở khu vực châu Á, IAEA cho rằng, khu vực này sẽ có nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong những năm tới, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc là những quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất. Khả năng sản xuất năng lượng điện hạt nhân tại khu vực này có thể tăng từ 2-5 lần, đạt hơn 400 GW vào năm 2050, so với mức 83 GW tính đến cuối năm 2012. 

Hàng năm, IAEA thường đưa ra các kịch bản ở mức độ thấp, cao cho công suất phát điện năng lượng hạt nhân toàn cầu. Theo kịch bản thấp của năm nay, tốc độ tăng trưởng điện hạt nhân sẽ tăng khoảng 17% trong tổng công suất điện hạt nhân trên thế giới vào năm 2030. 

Trong khi đó, ở kịch bản khác lại cho thấy tốc độ tăng trưởng ở mức 94%, tức là gần gấp đôi trong công suất phát điện toàn cầu. Nói cách khác, sự phát triển năng lượng hạt nhân sau tai nạn hạt nhân Fukushima Daiichi dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng cao, tuy nhiên tốc độ sẽ thấp hơn so với ước tính trước khi xảy ra tai nạn.

IAEA cũng cho biết, thời gian qua, hầu hết các quốc gia đã hoàn tất việc đánh giá mức độ an toàn hạt nhân của họ, việc cung cấp các thông số liên quan đến phát triển điện hạt nhân cũng được rõ ràng hơn.

Dự báo về triển vọng công suất phát điện hạt nhân, IAEA cho rằng, về lâu dài, công suất phát điện hạt nhân ​​sẽ đóng một vai trò quan trọng trong phát triển năng lượng tại mỗi quốc gia do tăng trưởng dân số và nhu cầu về điện tại các nước đang phát triển, cũng như mối quan tâm của biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và biến động giá nhiên liệu trên toàn cầu. 

Tuy nhiên, mỗi quốc gia cũng cần phải có chính sách ứng phó với sự cố tương tự như sự cố tại Fukushima Daiichi và đây cũng là thách thức không nhỏ đối với các quốc gia muốn phát triển điện hạt nhân.