Diện mạo mới ở cửa khẩu Chi Ma
Chúng tôi có dịp đến cửa khẩu Chi Ma (Cục Hải quan Lạng Sơn) trong những ngày trung tuần tháng 11/2021. Cơn mưa đầu Đông khiến nước ngập chắn lối đi. Khác hoàn toàn 3 năm trước, nay cửa khẩu Chi Ma như khoác áo mới, dòng xe tải nhộn nhịp nối đuôi nhau di chuyển vào khu vực cửa khẩu và nhanh chóng được thông quan...
Từ TP. Lạng Sơn đi theo quốc lộ 4B qua thị trấn Lộc Bình 15km là đến cửa khẩu Chi Ma. Băng qua màn sương mù dày đặc cùng với mưa phùn liên tục làm mờ đi lớp kính xe, chúng tôi đã đến cửa khẩu quốc gia Chi Ma. Đứng trên tòa nhà liên ngành nhìn sang phía đối diện là thị trấn Ái Điểm của Trung Quốc. Là cửa khẩu chính trong hệ thống các cửa khẩu biên giới của tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khi chính thức là cặp cửa khẩu song phương, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng trong khu vực cửa khẩu này. Cho tới thời điểm này, cửa khẩu Chi Ma đã và đang dần khẳng định là cửa khẩu có tiềm năng phát triển nhanh, mạnh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Chỉ tay về phía đoàn xe tải đang tiến vào cửa khẩu chờ làm thủ tục thông quan, ông Lương Văn Thơ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma chia sẻ, cửa khẩu Chi Ma không được biết đến nhiều như cửa khẩu Tân Thanh hay Hữu Nghị. Từ năm 2017 trở về trước, hoạt động cửa khẩu này chủ yếu là cư dân biên giới qua lại bằng giấy thông hành và năm 2017, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu thông quan chỉ đạt 4,89 tỷ USD. Nhưng kể từ tháng 9/2018, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực biên giới, cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) – Ái Điểm (Trung Quốc) đã được chính thức công bố trở thành cửa khẩu quốc gia.
Chúng tôi vừa nói chuyện vừa tiến về phía khu vực làm thủ tục thông quan, vì đang trong thời điểm phòng, chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt nên mọi người dân qua lại khu vực cửa khẩu đều phải chấp hành nghiêm yêu cầu phòng dịch, cũng như hướng dẫn của lực lượng chức năng, và chúng tôi cũng không ngoại lệ. Theo hướng dẫn, chúng tôi chỉ được tác nghiệp thực tế ở cửa khẩu, tìm hiểu hoạt động thông quan hàng hóa sau khi thực hiện đầy đủ việc khai báo thông tin cá nhân, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn...
Nếu như những tháng trước cả nước đang trong cao điểm phòng, chống dịch, hoạt động xuất nhập khẩu có phần thưa vắng, đìu hiu, thì vào những ngày cuối năm này, không khí nhộn nhip, sôi động đang dần trở lại trong tình trạng “bình thường mới”. Sự nhộn nhịp này cho chúng tôi cảm nhận được về sự phục hồi của kinh tế, đời sống nơi vùng biên xứ Lạng.
Dù ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 nhưng kết quả từ hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Chi Ma vẫn được đánh giá là khá nổi bật. Với lượng hàng hoá có thuế suất cao được các doanh nghiệp làm thủ tục qua cửa khẩu Chi Ma tăng, trong 10 tháng đầu năm 2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma đã tiếp nhận và làm thủ tục hải quan cho 11.754 bộ tờ khai với tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu đạt hơn 467 triệu USD. Sự tăng trưởng này đã giúp cho công tác thu nộp ngân sách nhà nước qua địa bàn đạt khá. Thống kê sơ bộ cho thấy, tính đến ngày 31/10, Hải quan Chi Ma đã thu nộp ngân sách đạt trên 400 tỷ đồng, đạt trên 300% chỉ tiêu được giao (120 tỷ đồng), tăng tới 348% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo ông Lương Văn Thơ, để có được số thu ngân sách tăng cao như hiện tại, nguyên nhân chính là do sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp đã tăng cường làm thủ tục xuất nhập khẩu các mặt hàng có thuế suất cao. Ngoài ra, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Trở lại khu vực làm việc của cơ quan Hải quan, theo ghi nhận của chúng tôi, trung bình mỗi ngày, chi cục giải quyết thủ tục cho 30-40 tờ khai. Hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu là tinh bột sắn, hàng tiêu dùng, nông sản, thực phẩm đông lạnh…
Những tháng còn lại của năm 2021, Hải quan Chi Ma tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tích cực trao đổi, nắm bắt và giải đáp kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp. Nắm bắt diễn biến xuất nhập khẩu hàng hoá, cũng như các chính sách của phía Trung Quốc để thông tin cho các doanh nghiệp nắm được, tránh phát sinh chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên, ông Lã Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Dương Phong cho biết, những tháng đầu năm, do tình hình dịch COVID-19 nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của công ty cũng diễn ra cầm chừng. Từ đầu tháng 10, Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội, để kịp hoàn thành các đơn hàng trong năm 2021, công ty cũng bắt tay nhanh vào nhịp độ nhằm lấy lại đà kinh doanh, sản xuất. Theo đó, hiện mỗi ngày công ty đăng ký làm thủ tục hải quan để thông quan cho khoảng 10 xe hàng.
Rời cửa khẩu Chi Ma khi cơn mưa chiều kịp dứt, hình ảnh đọng lại trong chúng tôi là một Chi Ma thanh bình. Từ cán bộ công chức Hải quan đến đại diện doanh nghiệp ai ai cũng hối hả, bận rộn giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa mà quên đi những cơn gió buốt lạnh nơi miền biên viễn.