Quy định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ công chức, viên chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ
Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo ban hành Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ.
Thông tư này quy định rõ các nội dung liên quan đến chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, ngành thuế, ngành hải quan và ngành dự trữ.
Đối với ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thông tư quy định chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch kế toán viên cao cấp, kế toán viên chính, kế toán viên, kế toán viên trung cấp.
Trong đó, đối với ngạch kế toán viên cao cấp (mã số 06.029), dự thảo thông tư quy định, chức trách của kế toán viên cao cấp là công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao nhất trong lĩnh vực kế toán, bố trí đối với các chức danh lãnh đạo cấp vụ, cục và tương đương tại các bộ, ngành ở Trung ương, thực hiện chức năng quản lý về công tác kế toán, giúp lãnh đạo bộ, cơ quan ngang bộ chỉ đạo, điều hành và quản lý tổ chức thực hiện hệ thống nghiệp vụ kế toán.
Nhiệm vụ của kế toán viên cao cấp là chủ trì trong các lĩnh vực sau: nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính, kế toán; các đề án chiến lược phát triển công tác kế toán đối với ngành, lĩnh vực; tổ chức việc phối hợp nghiệp vụ của lĩnh vực liên quan giữa các cấp quản lý cùng lĩnh vực của các ngành đảm bảo tính thống nhất đồng bộ trong toàn quốc; xây dựng tài liệu, giáo trình và hướng dẫn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức làm công tác kế toán; tổ chức, chỉ đạo, thực hiện công tác kế toán, kiểm tra nghiệp vụ kế toán; tổ chức tổng hợp, đánh giá, phân tích tài chính, rút kinh nghiệm và đề xuất phương án điều chỉnh, sửa đổi hoặc bổ sung ve quy trình nghiệp vụ; sửa đổi, bổ sung các quy định về kế toán hiện hành nhằm tổ chức quản lý chặt chẽ có hiệu lực và hiệu quả hơn.
Về chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức chuyên ngành thuế, dự thảo cũng quy định chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của kiểm tra viên cao cấp thuế, kiểm tra viên chính thuế, kiểm tra viên thuế, kiểm tra viên trung cấp thuế và nhân viên thuế.
Trong đó, đối với ngạch kiểm tra viên cao cấp thuế (mã số 06.036), dự thảo Thông tư này quy định chức trách kiểm tra viên cao cấp thuế là công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao nhất trong lĩnh vực thuế, bố trí đối với các chức danh lãnh đạo cấp tổng cục, lãnh đạo vụ, cục và tương đương, lãnh đạo cục thuế tỉnh, thành phố có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về thuế tại Tổng cục Thuế và cục thuế tỉnh, thành phố và thực hiện các phần hành nghiệp vụ thuế ở mức độ phức tạp cao, tiến hành trong phạm vi nhiều tỉnh hoặc toàn quốc.
Nhiệm vụ của kiểm tra viên cao cấp thuế là chủ trì nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển ngành; nghiên cứu đề xuất chủ trương chính sách và biện pháp quản lý thuế phù hợp với chiến lược phát triển ngành và chiến lược phát triển kinh tế địa phương; đề xuất các chủ trương hoạch định chính sách thuế, giải pháp quản lý thu để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các khoản thu nội địa trong phạm vi, trên địa bàn quản lý; nghiên cứu, tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về thuế; quy trình, quy chế nghiệp vụ quản lý thu…; chủ trì đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các chế độ, chính sách, các quy định trong từng lĩnh vực quản lý thuế.
Tương tự, đối với nội dung về chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức chuyên ngành hải quan, dự thảo thông tư này quy định chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của kiểm tra viên cao cấp hải quan, kiểm tra viên chính hải quan, kiểm tra viên hải quan, kiểm tra viên trung cấp cấp hải quan và nhân viên hải quan.
Đối với chức trách của kiểm tra viên cao cấp hải quan (mã số 08.049), dự thảo thông tư nêu rõ: kiểm tra viên cao cấp hải quan là công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao nhất trong lĩnh vực hải quan, bố trí đối với các chức danh lãnh đạo cấp Tổng cục, cấp vụ, cục và tương đương, lãnh đạo cục hải quan tỉnh, thành phố giúp lãnh đạo thực hiện chỉ đạo, tổ chức triển khai và trực tiếp thực thi pháp luật về hải quan theo quy định của Luật Hải quan với quy mô lớn, độ phức tạp cao, tiến hành trong phạm vi liên tỉnh hoặc toàn quốc.
Kiểm tra viên cao cấp hải quan có nhiệm vụ tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan đối với đối tượng có phức tạp về quy mô và tính chất, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực về kinh tế, xã hội, an ninh và đối ngoại; chủ trì đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các chế độ, chính sách, các quy định trong quản lý nhà nước về hải quan; tổng hợp, phân tích, đánh giá hoạt động nghiệp vụ hải quan và các hoạt động có liên quan đến nghiệp vụ hải quan; chủ trì chuẩn bị nội dung tổng kết về nghiệp vụ hải quan ở trong nước và trao đổi nghiệp vụ hải quan với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có quan hệ hợp tác về hải quan với Việt Nam; chủ trì nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về hải quan; tổ chức xây dựng, bổ sung, sửa đổi quy chế quản lý, quy trình nghiệp vụ hải quan; biên soạn tài liệu, giáo trình nghiệp vụ về hải quan và tổ chức bồi dường nghiệp vụ cho công chức, viên chức hải quan.