Điện tử Việt Nam liệu có thể kiếm nhiều tiền hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu?
Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay đang được nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đầu tư, tuy nhiên hoạt động vẫn chỉ ở khâu sản xuất lắp ráp. Đây là khâu thu được ít lợi nhuận nhất trong chuỗi giá trị.
Trên đây là những thông tin được đưa ra tại một hội thảo về liên kết trong công nghiệp điện tử ở Việt Nam.
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đã có những bước phát triển lớn. Nhiều “đại gia” quốc tế đã đầu tư vào ngành, dẫn đầu là các tập đoàn từ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Lớn nhất Việt Nam lúc này là dự án của Samsung với tổng số vốn đã lên tới 11,2 tỷ USD. Mặt hàng chủ lực của họ là smartphone đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất công nghệ cao.
Nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới khác như Intel, Canon, LG… cũng đã có dự án đầu tư với số tiền lên tới hàng trăm triệu USD.
Tuy nhiên phần lớn số vốn đầu tư này được rót vào quá trình sản xuất, lắp ráp. Đây là hoạt động mang lại giá trị thấp nhất trong chuỗi sản xuất toàn cầu của ngành công nghiệp điện tử.
Hiện nay giá trị gia tăng lớn nhất trong ngành này nằm ở quá trình thiết kế phát triển sản phẩm và thương hiệu. Những giá trị này ở lại các quốc gia có những “ông lớn” đầu tư vào gia công lắp ráp tại Việt Nam.
Kể từ năm 2013 đến nay, ngành công nghiệp điện tử trong nước liên tục tăng trưởng 20% mỗi năm và đóng góp vào GDP trên 35%. Mục tiêu ngành đến năm 2020 là ứng dụng công nghệ tiên tiến, tăng năng suất lao động và khả năng cạnh tranh, sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu này, rất nhiều vấn đề cần phải được làm rõ.
Tại Hội thảo Liên kết ngành trong phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Cần phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển mở rộng thị trường, thu hút doanh nghiệp hàng đầu thế giới, phát triển sản phẩm trọng điểm và hình thành các cụm công nghiệp điện tử”.
Về công nghiệp hỗ trợ, theo số liệu của Trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (SIDEC), Việt Nam có 610 doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện - điện tử, chiếm khoảng 53,28% tổng số doanh nghiệp ngành.
Tuy nhiên các doanh nghiệp hỗ trợ ngành điện tử này chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vừa thiếu vốn, vừa thiếu cả công nghệ và nhân lực chất lượng cao. Liên kết giữa các doanh nghiệp hỗ trợ và lắp ráp vẫn chưa thật sự tốt.
Điều này dẫn đến việc công nghiệp hỗ trợ hiện nay của Việt Nam chỉ tập trung cung ứng bao bì, một số vật liệu phụ tùng nhựa, kim loại. Vật liệu sản xuất ngành điện tử vẫn chủ yếu nhập từ nước ngoài.
Đối với vấn đề phát triển nhân lực, phát triển sản phẩm trọng điểm và hình thành cụm công nghiệp điện tử, ông Bùi Bài Cường, đại diện Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ Thông tin & Truyền thông đưa ra hội thảo 2 ví dụ về chiến lược của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nhật Bản năm 1970 đã lập ra “Viện nghiên cứu công nghiên cứu vi mạch”. Năm 1984 đến 1988, nhiều thiết kế kỹ thuật của các đối tác đã được Nhật Bản mua lại.
Hàn Quốc năm 1974 đến 1983 cũng thành lập phòng thí nghiệm Nghiên cứu & Triển khai Bán dẫn. Năm 1984 nước này thành lập 2 đội nghiên cứu phát triển, 1 ở Hàn Quốc, 1 ở Thung lũng Silicon phối hợp làm việc với nhau.
Tới năm 1984 khoảng cách công nghệ của Hàn Quốc với Nhật Bản và Mỹ đã được thu hẹp đáng kể và Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới về khả năng sản xuất chip nhớ.
Bài học từ 2 nước này là có chiến lược phát triển sản phẩm cụ thể. Huy động tối đa sự tham gia của Chính phủ - Doanh nghiệp - Nhà khoa học trong và ngoài nước vào việc phát triển sản phẩm. Ngoài ra cũng cần cách thức triển khai đúng đắn và nguồn vốn thực hiện dồi dào.
Một số giải pháp cho ngành công nghiệp điện tử cũng được các diễn giả đưa ra tại hội thảo. Theo đó nhà nước cần có các chương trình dài hạn để phát triển ngành, đặc biệt những chương trình đã được phê duyệt cần ưu tiên bố trí kinh phí.
Huy động sự tham gia của nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp trong việc phát triển sản phẩm.
Đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài, nhà nước nên tập trung vào việc xây dựng thể chế, đóng vai trò “bà đỡ” để các doanh nghiệp nội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.