Ngành Bán lẻ đua công nghệ

Theo Hồng Nga/doanhnhansaigon.vn

Cùng với việc cạnh tranh tại điểm bán, ngành bán lẻ đang vào cuộc đua kinh doanh trực tuyến khi các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng đầu tư.

Các nhà bán lẻ ngành điện máy, công nghệ số thu hút khách hàng online. Ảnh: X.Thảo
Các nhà bán lẻ ngành điện máy, công nghệ số thu hút khách hàng online. Ảnh: X.Thảo

Với dân số khoảng 95 triệu người, trong đó hơn phân nửa là những người trẻ ưa công nghệ, buộc các nhà kinh doanh phải chuyển hướng đầu tư. Đây được xem là bước ngoặt mới cho các doanh nghiệp bán lẻ khi bước vào cuộc đua công nghệ trong thời 4.0.

Lotte Mart - nhà bán lẻ hàng đầu đến từ Hàn Quốc mới đây đã ra mắt ứng dụng mua sắm trực tuyến với tên gọi Speed Lotte. Ứng dụng di động này có mặt ở kho ứng dụng Google Play (dành cho thiết bị di động Android) và iTunes Store (dành cho thiết bị iPhone, iPad). Và người tiêu dùng cũng có thể truy cập vào trang web http://speedlotte.vn để mua sắm trực tuyến.

Với Speed Lotte, khách hàng có thể đặt mua hầu hết các loại thực phẩm thiết yếu như đồ hộp, mì gói, đồ uống, sữa..., các loại mì tươi, mì ăn liền, bánh kẹo, nước gạo Hàn Quốc. Từ tháng 12, danh mục thực phẩm có thể mua trực tuyến còn có cơm hộp ăn trưa cho các khách hàng ở gần khu vực Lotte Mart quận 7, TP.HCM.

Trước đó, vào tháng 8/2016, Saigon Co.op - một doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất nước với chuỗi các trung tâm thương mại Sense City, đại siêu thị Co.opXtra, siêu thị Co.opmart, cửa hàng tiện lợi Co.op Food, cửa hàng bách hóa hiện đại Co.op Smile... đã ra mắt 2 ứng dụng công nghệ, gồm Co.opmart trên thiết bị di động và trang mua sắm online cải tiến.

Với giao diện thân thiện cùng các thao tác đơn giản, dễ sử dụng, ứng dụng Co.opmart được xem là bước đột phá của đơn vị này trong việc áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Giai đoạn đầu, ứng dụng Co.opmart triển khai trên hệ điều hành Android có tích hợp nhiều tiện ích như tra cứu điểm tích lũy, cập nhật ưu đãi, đăng ký tham gia chương trình khách hàng thân thiết và các tiện ích khác mà không cần phải đến siêu thị. Song song đó, Saigon Co.op cũng cải tiến trang mua sắm online coophomeshopping.vn với nhiều tiện ích như sàng lọc tìm kiếm thông tin sản phẩm, thanh toán online, xem ti vi trực tuyến, hỗ trợ tư vấn trực tuyến, tích hợp mạng xã hội...

Ông Nguyễn Thành Nhân - Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng và cũng để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, Saigon Co.op không thể bỏ qua công nghệ. Hiện tại, Co.opmart đang chạy thử một số hạng mục dựa trên nền tảng công nghệ như thanh toán tự động ở phân khúc cao áp dụng vào cuối năm nay, phát triển dịch vụ đa kênh...

Trong lĩnh vực bán lẻ điện máy, công nghệ số, các thương hiệu Thế Giới Di Động, FPT, Nguyễn Kim, Thiên Hòa... cũng đã đầu tư rất mạnh vào bán hàng trực tuyến. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thế Giới Di Động cho rằng, thị trường online rất tiềm năng và trong 5 năm nữa sẽ phát triển mạnh. Bán hàng online hiện đang chiếm 5% thị trường bán lẻ và sẽ mở rộng đến 20% trong thời gian tới.

Tại Thế Giới Di Động, bán hàng trực tuyến tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, trong năm 2015, doanh thu bán hàng online đạt 1.650 tỷ đồng và đã tăng lên 3.372 tỷ đồng vào năm 2016. Tiếp nối thành công đó, đầu năm 2017, Thế Giới Di Động ra mắt sàn thương mại điện tử vuivui.com, hoạt động theo mô hình B2C với hình thức kết nối các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm tới người tiêu dùng.

Thế Giới Di Động đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất năm nay tăng 42%, đạt 63.280 tỷ đồng, trong đó mảng online là 6.650 tỷ đồng, tăng 100% so với năm 2016 và chiếm hơn 10,5% tổng doanh thu của Công ty. Ông Tài và ban lãnh đạo Thế Giới Di Động kỳ vọng vuivui.com sẽ vượt qua chuỗi thegioididong.com trong 5 năm tới.

Nhận thấy tiềm năng của kênh trực tuyến, năm 2016, Nguyễn Kim đã mua lại Zalora Việt Nam. Theo đại diện Nguyễn Kim, việc sở hữu Zalora Việt Nam sẽ giúp Nguyễn Kim phát triển mảng thời trang trực tuyến mà Zalora là thế mạnh. Và như vậy Nguyễn Kim sẽ đẩy mạnh song song cả 2 mảng online và offline. Cùng với đó, Nguyễn Kim cũng tăng cường bán hàng trực tuyến hàng điện máy trên trang web www.nguyenkim.com.

Cũng trong xu thế ấy, năm 2015, Thiên Hòa đầu tư mạnh vào bán hàng trực tuyến khi xây dựng đội ngũ nhân sự online lên đến vài trăm người. Bởi theo đại diện của doanh nghiệp này, kinh doanh online là xu hướng tất yếu trong thị trường công nghệ số đang phát triển rất mạnh. Theo kế hoạch đến năm 2020, Thiên Hòa sẽ đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến với mục tiêu tăng trưởng 400%/năm. Hiện tại, Công ty đang đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, xây dựng marketing onnline thông qua các trang mạng xã hội, website...

Theo khảo sát người tiêu dùng về ngành bán lẻ gần đây nhất của PwC (PricewaterhouseCoopers - một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay), sự phát triển của công nghệ thông tin đang làm thay đổi hành vi tiêu dùng. Có đến 49% số người tiêu dùng có thói quen mua sản phẩm qua điện thoại, smartphone.

Hiện có rất nhiều nhà bán lẻ có xu hướng tích hợp thương mại điện tử, kết nối với công nghệ để hiểu rõ hơn về hành vi người tiêu dùng nhằm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Việc tập trung phát triển hệ thống thương mại điện tử kết hợp kinh doanh và quảng cáo sản phẩm qua mạng sẽ làm tăng thêm hiệu quả bán hàng, đồng thời tiết kiệm chi phí bán hàng cho các nhà bán lẻ.

Ở một góc độ khác, báo cáo mới nhất của Nielsen công bố hồi đầu tháng 11 cho thấy, tăng trưởng bán hàng trực tuyến các sản phẩm FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) đang vượt trội so với tại cửa hàng bán lẻ. Dự kiến, tổng doanh số bán lẻ trên kênh thương mại điện tử sẽ tăng 20%, tương đương với 2.100 tỷ USD vào năm 2020.

Hiện ngành bán lẻ đang có nhiều thay đổi trong phương thức bán hàng, từ kênh bán lẻ truyền thống đến bán lẻ hiện đại và online nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Việc phân loại đối tượng khách hàng mục tiêu và xây dựng chiến lược kinh doanh tương thích đòi hỏi các nhà bán lẻ cần đầu tư rất nhiều nguồn lực.

Ông Prashant Singh - Giám đốc Thương mại điện tử, phụ trách Nhóm các thị trường phát triển của Nielsen cho rằng, khi nói đến thương mại điện tử bán lẻ thì sự tiện lợi, giá cả, sự phân loại và trải nghiệm của khách hàng là những yếu tố xếp hạng cao nhất trong danh mục các yếu tố quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Để phát triển chiến lược thương mại điện tử thành công, các nhà bán lẻ cần đảm bảo 4 yếu tố này. Nghĩa là doanh nghiệp phải quan tâm đến xu hướng mua hàng đa kênh của người tiêu dùng.