TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Vietnam:

Điều chỉnh chính sách tài khoá trong năm tới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó và tăng trưởng bền vững

Gia Hân (thực hiện)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Tài chính, TS. Lê Duy Bình cho biết, năm 2024, trong bối cảnh dự báo còn khó khăn, yêu cầu đặt ra là vừa phải thu ngân sách để đảm bảo chi ngân sách thuận lợi, nhưng cũng vừa phải tính đến các chính sách tài khoá hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó. Tuy nhiên, đối tượng, quy mô, mức độ, cường độ và cách thức áp dụng trong năm 2024 cần dần được thay đổi so với năm nay.

TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Vietnam.
TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Vietnam.

Phóng viên: Trong phiên thảo luận về ngân sách nhà nước (NSNN) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá tích cực về công tác điều hành tài chính - NSNN thời gian qua. Vậy đánh giá của ông về công tác này như thế nào?

TS. Lê Duy Bình: Các con số thống kê đã ủng hộ các đánh giá tích cực này. Trước hết là thu ngân sách 10 tháng đạt 86,3% dự toán. Đây là kết quả rất khích lệ trong bối cảnh những tháng đầu năm nền kinh tế tăng trưởng rất thấp, có những tháng đạt thấp và thậm chí thấp nhất trong một thập niên trở lại đây. Tình hình của các doanh nghiệp đặc biệt khó khăn, nền kinh tế toàn cầu không thuận lợi khiến hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề và do vậy áp lực hỗ trợ bằng nguồn NSNN cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân cũng rất lớn. Để đạt được kết quả thu này, Bộ Tài chính đã rất quyết liệt trong điều hành thu, giảm tình trạng gian lận thuế, trốn thuế, quản lý thu thuế chặt chẽ hơn với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử hay kinh doanh xuyên biên giới…

Những con số về cơ cấu thu NSNN trong 10 tháng qua cho thấy tốc độ tăng thu nội địa dường như đang chậm lại. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng suy giảm so với những năm trước. Những yếu tố này có thể được khắc phục trong những năm tới khi nền kinh tế được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng tích cực hơn, nhưng vẫn là những yếu tố cần được tính đến trong công tác điều hành thu năm 2024.

Kết quả điều hành ngân sách cũng phải xem xét từ góc độ công tác chi. Thu được ngân sách nhưng phải đảm bảo chi ngân sách hiệu quả cũng là một yêu cầu đặt ra đối với ngành Tài chính. Thu được nhưng không chi được, hay chi không đúng, không hợp lý, không hiệu quả cũng sẽ là vấn đề. Chi hơn thu quá nhiều vượt ngưỡng an toàn cũng là vấn đề. Điều này đòi hỏi sự điều hành rất khéo léo, căn cơ của cơ quan quản lý. Sau khi thu, phải đảm bảo nguồn thu được phân bổ, phân khai hợp lý, kịp thời theo đúng dòng ngân sách, đúng kế hoạch, đúng chỉ tiêu cho các bộ, ngành, địa phương để những cơ quan này đưa ra các quyết định đầu tư, giải ngân nguồn vốn này theo đúng tiến độ.

Từ góc độ chi ngân sách, ước tính cả năm khoảng 2.035,9 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, ngành Tài chính cũng như các bộ, ngành, địa phương đang đẩy mạnh triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, điều hành chi chặt chẽ trong phạm vi dự toán, từ đó góp phần giảm bội chi ngân sách, đảm bảo bội chi NSNN ở mức dưới 4% và không vượt ngưỡng Quốc hội đề ra.

Bên cạnh việc đảm bảo bội chi ngân sách nằm trong ngưỡng an toàn, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ cũng được kiểm soát chặt chẽ trong phạm vi Quốc hội cho phép. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Ngành Tài chính do vậy cũng đã đóng góp quan trọng cho đảm bảo duy trì ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế, từ đó tạo môi trường kinh doanh và đầu tư có tính cạnh tranh, tăng tính hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Song song với đó, tôi đánh giá cao nỗ lực của ngành Tài chính trong việc dành một nguồn lực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua các chính sách tài khoá. Với khoảng 75.000 tỷ đồng giảm thu do thực hiện chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế và khoảng 20.000 tỷ đồng giảm từ chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, ước tính NSNN đã dành khoảng 6% dự toán thu của năm 2023 để hỗ trợ trở lại cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Điều đó làm nổi bật hơn nữa những kết quả mà ngành Tài chính đạt được trong công tác điều hành dưới bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, thách thức thời gian qua.  

Phóng viên: Vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự toán thu NSNN năm 2024 là 1.700.988 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với dự toán và ước thực hiện năm 2023. Ông có đánh giá thế nào về mức tăng dự toán thu này?

TS. Lê Duy Bình: Mối liên hệ giữa tốc độ tăng trưởng GDP và thu ngân sách là rõ ràng. Ví dụ năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, thu ngân sách của năm đó tăng 15% so với năm 2021. Năm nay, ước thu NSNN cả năm tăng khoảng 4,6% so dự toán, trong bối cảnh GDP được dự báo sẽ chỉ tăng khoảng 5%.

Như vậy, dự toán tăng thu NSNN khoảng 5% trong năm 2024 là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 là 6-6,5%. Con số này cũng là phù hợp với các dự báo khác của nền kinh tế và có tính khả thi.

Thực tế cũng có những cơ sở để hỗ trợ cho mức dự toán tăng thu này. Trong những tháng gần đây, nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi với tốc độ tăng trưởng tăng dần trong những tháng cuối năm, ngành chế biến chế tạo, dịch vụ cũng có dấu hiệu khởi sắc. Tốc độ tăng về xuất nhập khẩu cũng có những tín hiệu tích cực. Đây là những cơ sở để dự báo rằng thu nội địa và thu xuất nhập khẩu có thể tăng trở lại trong năm 2024.

Tuy nhiên, trong công tác điều hành, chắc chắn ngành Tài chính cũng vẫn phải tính toán đến các rủi ro như tốc độ tăng trưởng không đạt như mong muốn, tính biến động mạnh của khoản thu từ dầu khí, đặc biệt là các tác động từ thị trường và nền kinh tế thế giới đối với Việt Nam. 

Phóng viên: Năm 2024, Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng vừa đảm bảo dự toán thu ngân sách, vừa nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phục hồi kinh tế là nhiệm vụ "nặng" và "khó". Xin ông cho biết quan điểm và một số khuyến nghị để vừa đảm bảo cân đối nhiệm vụ thu ngân sách vừa hỗ trợ nền kinh tế?

TS. Lê Duy Bình: Năm 2024, hy vọng nền kinh tế sẽ bớt khó khăn hơn. Các dự báo mới nhất của các cơ quan trong nước hay tổ chức quốc tế đều đưa ra các nhận định như vậy. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, những thách thức vẫn còn rất lớn, đặc biệt khi xét về các hạn chế nội tại của nền kinh tế và sự phục hồi chậm chạp của nhiều nền kinh tế hay khu vực kinh tế lớn trên toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra đối với ngành Tài chính là vừa phải đảm bảo nguồn thu để đảm bảo chi ngân sách thuận lợi, nhưng cũng vừa phải tính đến yếu tố hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó. Tuy nhiên, đối tượng, quy mô, mức độ, cường độ, phương thức hỗ trợ trong năm 2024 cũng nên dần được thay đổi so với hiện nay để nền kinh tế và doanh nghiệp dần  quay trở lại các quy định hay cơ chế vận hành bình thường của thị trường.

Ví dụ như việc giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất cũng có thể được tiếp tục áp dụng nhưng không phải trên diện rộng như trước đây mà là chỉ với nhóm doanh nghiệp hay với một số ngành kinh tế còn rất khó khăn. Việc kéo dài thời gian áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cũng là điều cần thiết, nhưng thời hạn kéo dài đến thời điểm nào thì do ngành Tài chính với nghệ thuật điều hành của mình để tính toán dựa trên cân đối ngân sách cũng như tác động của chính sách đối với nền kinh tế và căn cứ trên kết quả, hiệu quả đã đạt được.

Các hỗ trợ do vậy cần trọng tâm, trọng điểm hơn. Đặc biệt là cần có những cách làm mới, cơ chế mới để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để đáp ứng những yêu cầu mới từ thực tiễn của nền kinh tế. Nguồn lực hỗ trợ từ NSNN cần chuyển hướng dần từ hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó sang hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng, nắm bắt các cơ hội mới, hình thành những ngành trọng điểm phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế, đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế phát triển dựa trên tri thức, đổi mới và sáng tạo.

Và như vậy, hoạt động hỗ trợ không chỉ là giảm thuế, giảm tiền thuê đất, miễn giảm các loại phí mà dự toán ngân sách sử dụng cho mục tiêu này có thể được cân nhắc để đầu tư vào các doanh nghiệp, hay ngành trọng điểm nhằm tạo ra một thế mạnh mới của nền kinh tế Việt Nam. Ví dụ như công nghiệp bán dẫn, ô tô điện, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, các ngành khởi nghiệp sáng tạo, các doanh nghiệp tiềm năng trong ngành kinh tế số.

Tư duy về hỗ trợ doanh nghiệp sẽ cần được thay đổi và cách làm cũng sẽ được thay đổi. Cũng là nguồn hỗ trợ từ NSNN, nhưng hình thức sẽ chuyển từ hỗ trợ, cho không sang hình thức đầu tư, có thể là cả đầu tư mạo hiểm hay theo hình thức đối tác công tư vào doanh nghiệp có tiềm năng ở khu vực tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp, các viện, trường đại học nhằm tạo nên hệ sinh thái cho các ngành công nghiệp mới, trọng điểm, đóng vai trò quan trọng với tương lai của Việt Nam. Việc hỗ trợ hay đầu tư này có thể được thực hiện qua SCIC hay uỷ thác cho các công ty quản lý quỹ, các tổ chức đầu tư của Nhà nước và tư nhân. Cách hỗ trợ này đã rất thành công tại một số quốc gia như Israel hay UEA và chúng ta có thể nghiên cứu, học hỏi, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang nỗ lực thay đổi để vươn cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chúng ta không nên loay hoay mãi với việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó hay chỉ tập trung vào mục tiêu cũng như cách làm này. Bên cạnh đó, nên dành nguồn lực, thay đổi cách thức hỗ trợ và xây dựng cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp, các ngành, khu vực kinh tế có tiềm năng tăng trưởng, đặc biệt là các ngành, khu vực có thể định hình cho tương lai và trở thành động lực để Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp hoá, thu nhập cao. 

Phóng viên: Với dự toán bội chi ngân sách năm 2024 là 3,6% GDP, đồng nghĩa với việc dự toán bội chi giảm dần so với 3 năm từ 2021-2023. Xin ông đánh giá về mức dự toán này và theo ông, đâu là những giải pháp để kiểm soát bội chi theo mục tiêu đề ra?

TS. Lê Duy Bình: Dự toán bội chi này phù hợp với kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2022 - 2024 mà Bộ Tài chính đã trình Chính phủ báo cáo Quốc hội trước đây. Nó cũng nằm trong mức thông lệ quốc tế về giới hạn an toàn của bội chi ngân sách. Ví dụ như các nước trong khu vực đồng Euro cũng cam kết và đặt mục tiêu là mức bội chi NSNN không vượt quá 4%.

Việc kiểm soát bội chi ở mức 3,6% sẽ đóng góp cho việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ.

Mục tiêu này cũng tạo áp lực để Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt ngành Tài chính phải nâng cao hiệu quả công tác thu, chi, sử dụng, đầu tư NSNN hiện có một cách hiệu quả hơn và đẩy mạnh tiết kiệm những khoản chi tiêu không cần thiết. 

Để kiểm soát bội chi theo mục tiêu đề ra thì đương nhiên việc đầu tiên sẽ phải là tăng thu. Ngoài trông chờ nỗ lực chung của toàn nền kinh tế, các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp thì ngành Tài chính sẽ phải thực hiện những biện pháp riêng của mình để quản lý nguồn thu chặt chẽ. Đảm bảo thu một cách đầy đủ để tránh tình trạng trốn thuế, thu sót hoặc gian lận thu ngân sách. Việc tăng thu này cũng phải đảm bảo mục tiêu hài hòa không phải tận thu mà phải nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu đó một cách bền vững.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả chi ngân sách cũng là biện pháp tốt để giảm bội chi ngân sách. Chi sao cho đúng, phân bổ hợp lý, đảm bảo hiệu quả trong quá trình giải ngân, giám sát chi, tiết kiệm những khoản chi không cần thiết sẽ đóng góp lớn cho việc kiểm soát bội chi. Trong lĩnh vực này, chắc chắn còn rất nhiều dư địa để ngành Tài chính cải thiện trong thời gian tới.

Phóng viên: Năm 2024, chi đầu tư phát triển tiếp tục được xác định là lĩnh vực quan trọng, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi ngân sách. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của vốn đầu tư công trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

TS. Lê Duy Bình: 2023 là năm rất đặc biệt đối với đầu tư công khi mà nguồn vốn này đạt kỷ lục về con số tuyệt đối, lớn nhất từ trước đến nay. Cho tới nay, căn cứ nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trên 707.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023.

Có thể nói, trong năm 2023, đầu tư công giống như "ngôi sao hy vọng" của nền kinh tế Việt Nam do nó đóng góp rất lớn cho tổng cầu, bù đắp cho sự suy giảm của cấu thành khác trong tổng cầu như đầu tư tư nhân, chi tiêu khu vực doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu. Đầu tư công đã đóng vai trò quan trọng cho việc đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay – một tốc độ thấp hơn mục tiêu đề ra những vẫn đáng khích lệ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu khó khăn.

Ngoài đóng góp trực tiếp cho tốc độ tăng trưởng GDP của năm 2023, đầu tư công được đẩy mạnh sẽ có ý nghĩa giúp nền kinh tế sớm hình thành được hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, viễn thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục, văn hoá, từ đó hình thành những không gian phát triển mới cho nền kinh tế, giảm bớt chi phí logistics cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sống của người dân và chất lượng tăng trưởng. Với tầm quan trọng của đầu tư công đối với nền kinh tế trong năm 2023 và những năm tới, rất hy vọng giải ngân vốn đầu tư công sẽ đạt được mức khoảng 95% như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng vì tầm quan trọng của đầu tư công đối với nền kinh tế trong năm 2023 như vậy, chúng ta cần tính toán, chuẩn bị cho năm 2024 và những năm tiếp theo. Năm 2023, nền kinh tế có được một con số kỷ lục về đầu tư công một phần là nhờ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Nhưng năm 2024 và các năm tiếp theo có thể sẽ không có hỗ trợ mạnh mẽ như vậy từ đầu tư công do nguồn lực từ ngân sách có hạn. Do vậy, cần phải tính toán đến các kịch bản tăng trưởng, trong đó vai trò của đầu tư tư nhân, đầu tư của doanh nghiệp được đẩy mạnh.

Hơn nữa, việc một nền kinh tế phụ thuộc quá lớn vào đầu tư công trong một thời gian dài để làm động lực cho tăng trưởng cũng là điều không được khuyến khích theo các thông lệ quốc tế. Nó sẽ dẫn đến các rủi ro như tăng nợ công, tăng bội chi ngân sách và chèn lấn đầu tư tư nhân.

Do đó, nguồn vốn năm 2024 và cho các năm tiếp theo nên được sử dụng theo một cách khác, sao cho vốn đầu tư công vừa đóng vai trò hỗ trợ nền kinh tế, vừa đóng vai trò là chi tiêu của Chính phủ đóng góp cho tổng cầu nhưng cũng vừa là vốn “mồi” để kéo theo nhiều hơn nữa đồng vốn từ khu vực tư nhân, thu hút được khu vực tư nhân cùng tham gia và làm đối tác cho quá trình phát triển, đối tác cho những dự án cơ sở hạ tầng giao thông, các công trình văn hoá, thể thao, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ. Qua đó, nguồn lực của toàn nền kinh tế mới được tận dụng một cách tốt nhất và hiệu quả nhất.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!