Điều chỉnh phí bảo vệ môi trường với khai thác khoáng sản, hạn chế tác động xấu đến môi trường

Trần Huyền

Bộ Tài chính đề xuất xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Dự thảo nghị định với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự đồng bộ, khắc phục hạn chế của chính sách hiện hành, từng bước hạn chế tác động xấu đến môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cần thiết xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 164/2016/NĐ-CP

Thời gian qua, việc thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản theo quy định tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; tăng cường quản lý khai thác khoáng sản.

Qua đó, khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ, khai thác hiệu quả, tiết kiệm khoáng sản gắn liền với công tác bảo vệ môi trường; góp phần phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường; khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; bảo vệ, tái tạo cảnh quan môi trường nơi khai thác khoáng sản.

Nghị định số 164/2016/NĐ-CP được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để địa phương ban hành văn bản quy định chi tiết và tổ chức thực hiện thu phí đồng bộ, đúng quy định, góp phần hình thành hệ thống văn bản thu phí thống nhất trong cả nước.

Theo Bộ Tài chính, số thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản hàng năm đã góp phần tích cực để địa phương bổ sung nguồn đầu tư cho bảo vệ môi trường tại nơi khai thác. Số thu phí năm 2017 là 3.029 tỷ đồng; năm 2018 là 3.448 tỷ đồng; năm 2019 là 3.737 tỷ đồng; năm 2020 là 3.576 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị định số 164/2016/NĐ-CP đã phát sinh một số vấn đề cần hoàn thiện nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong chính sách phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; khắc phục những hạn chế của chính sách hiện hành về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; từng bước hạn chế tác động xấu đến môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Do đó, Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo Tờ trình Chính phủ và Nghị định thay thế Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Hiện Dự thảo Tờ trình Chính phủ và Nghị định đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi.

Khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Hiện nay, Nghị định số 164/2016/NĐ-CP quy định khung mức phí đối với sỏi, cuội, sạn, cát, đất sét, đá làm vật liệu xây dựng thông thường là 1.500 - 6.000 đồng/m3. Mức phí này còn thấp, chưa khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế các khoáng sản này.

Để hạn chế khai thác manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả; khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh tăng Khung mức phí đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo hướng mức phí tối thiểu bằng mức phí tối đa hiện hành; mức phí tối đa bằng 200% mức phí tối đa hiện hành.

Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định người nộp phí để bảo đảm thống nhất với pháp luật khoáng sản. Theo đó, người nộp phí gồm, tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản được khai thác khoáng sản bao gồm: Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã.

Hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản được khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác tận thu khoáng sản; Tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua khoáng sản mà không xuất trình được chứng từ chứng minh hàng hóa đã được nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua khoáng sản là người nộp phí cũng là đối tượng nộp phí.

Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sử dụng đất đá bốc xúc thải ra để cải tạo, phục hồi môi trường, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định miễn thu phí đối với việc sử dụng đất đá bốc xúc để cải tạo, phục hồi môi trường.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính cũng đã sửa quy định thu phí đối với khai thác tận thu khoáng sản; thu phí đối với khai thác đá làm mỹ nghệ “khối lớn”; thu phí đối với đá hoa trắng để sản xuất bột carbonat. Dự thảo còn sửa phương pháp tính phí đối với đất đá bốc xúc, bỏ tỷ lệ quy đổi số lượng khoáng sản thành phẩm ra khoáng sản nguyên khai; quy định căn cứ tính phí khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm.

Dự thảo nghị định cũng sửa đổi quy định tổ chức thực hiện. Hiện nay, UBND cấp tỉnh trình HĐND ban hành nghị quyết và thực hiện thu phí bảo vệ môi trường với khai thác khoáng sản. Cơ quan thuế địa phương hướng dẫn, đôn đốc thu nộp phí. Qua phản ánh một số địa phương, thông tin số lượng khoáng sản khai thác và số lượng đất đá bốc xúc có thể bị gian lận, làm thất thu ngân sách.

Do đó, để hạn chế tình trạng thông tin kê khai với cơ quan Thuế về số lượng khoáng sản nguyên khai và số lượng đất đá bốc xúc làm căn cứ tính phí không khớp với số lượng do cơ quan tài nguyên và môi trường quản lý, gây thất thu ngân sách, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên và môi trường trong đối chiếu thông tin.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo nghị định là cần thiết, đảm bảo sự đồng bộ trong chính sách, tháo gỡ khó khăn về chính sách thu phí bảo vệ môi trường với khoáng sản hiện hành; góp phần hạn chế khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường; đảm bảo chính sách công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.