Điều chỉnh tăng thêm đối với giá trị rủi ro thanh toán

PV.

Giá trị rủi ro thanh toán là giá trị tương ứng với mức độ tổn thất có thể xảy ra khi đối tác không thể thanh toán đúng hạn hoặc chuyển giao tài sản đúng hạn theo cam kết. Kết thúc ngày giao dịch, tổ chức kinh doanh chứng khoán phải xác định giá trị rủi ro thanh toán đối với một số hợp đồng, giao dịch. Đồng thời, trong một số trường hợp, giá trị rủi ro thanh toán phải được điều chỉnh tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 13/11/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 91/2020/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính. Theo quy định tại Thông tư này, giá trị rủi ro thanh toán là giá trị tương ứng với mức độ tổn thất có thể xảy ra khi đối tác không thể thanh toán đúng hạn hoặc chuyển giao tài sản đúng hạn theo cam kết.

Theo Khoản 8, Điều 10, Thông tư số 91/2020/TT-BTC, giá trị rủi ro thanh toán phải được điều chỉnh tăng thêm trong các trường hợp sau:

Một là, tăng thêm 10% trong trường hợp giá trị hợp đồng tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi, khoản cho vay, khoản phải thu trong hạn, hợp đồng mua có cam kết bán lại chứng khoán, hợp đồng bán có cam kết mua lại chứng khoán, tổng giá trị các khoản vay đối với một tổ chức, cá nhân và nhóm tổ chức, cá nhân liên quan (nếu có), chiếm từ trên 10% đến 15% vốn chủ sở hữu.

Hai là, tăng thêm 20% trong trường hợp giá trị hợp đồng tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi, khoản cho vay, khoản phải thu trong hạn, hợp đồng mua có cam kết bán lại chứng khoán, hợp đồng bán có cam kết mua lại chứng khoán, tổng giá trị các khoản vay đối với một tổ chức, cá nhân và nhóm tổ chức, cá nhân liên quan (nếu có), chiếm từ trên 15% đến 25% vốn chủ sở hữu.

Ba là, tăng thêm 30% trong trường hợp giá trị hợp đồng tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi, khoản cho vay, khoản phải thu trong hạn, hợp đồng mua có cam kết bán lại chứng khoán, hợp đồng bán có cam kết mua lại chứng khoán, tổng giá trị các khoản vay đối với một tổ chức, cá nhân và nhóm tổ chức, cá nhân liên quan (nếu có), hoặc một cá nhân và các bên liên quan tới cá nhân đó (nếu có), chiếm từ trên 25% vốn chủ sở hữu trở lên.

Cũng theo quy định của Thông tư này, kết thúc ngày giao dịch, tổ chức kinh doanh chứng khoán phải xác định giá trị rủi ro thanh toán đối với các hợp đồng, giao dịch sau: Tiền gửi có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng, chứng chỉ tiền gửi do các tổ chức tín dụng phát hành; Hợp đồng vay, mượn chứng khoán phù hợp với quy định của pháp luật; Hợp đồng bán có cam kết mua lại chứng khoán phù hợp với quy định của pháp luật; Hợp đồng mua có cam kết bán lại chứng khoán phù hợp với quy định của pháp luật; Hợp đồng cho vay mua ký quỹ chứng khoán niêm yết phù hợp với quy định của pháp luật; Hợp đồng bảo lãnh phát hành ký với các tổ chức khác trong tổ hợp bảo lãnh phát hành theo hình thức cam kết chắc chắn mà tổ chức kinh doanh chứng khoán là tổ chức bảo lãnh phát hành chính...