Tổ chức kinh doanh chứng khoán thực hiện phương án khắc phục kiểm soát đặc biệt ra sao?
Tổ chức kinh doanh chứng khoản phải gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo phương án khắc phục chi tiết về thực trạng tài chính, nguyên nhân và phương án khắc phục khi bị đặt vào tình trạng kiểm soát.
Theo Điều 15, Thông tư số 91/2020/TT-BTC ngày 13/11/2020 của Bộ Tài chính, trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát, tổ chức kinh doanh chứng khoán phải gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo phương án khắc phục chi tiết về thực trạng tài chính, nguyên nhân và phương án khắc phục.
Phương án khắc phục phải được xây dựng cho 02 năm kế tiếp, có lộ trình, điều kiện, thời hạn và kế hoạch thực hiện chi tiết tới hàng tháng, quý. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền yêu cầu tổ chức kinh doanh chứng khoán điều chỉnh phương án khắc phục tại bất cứ thời điểm nào nếu xét thấy là không khả thi, không phù hợp với điều kiện thị trường hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật.
Cũng theo Điều 15, Thông tư số 91/2020/TT-BTC, phương án khắc phục bao gồm những biện pháp sau: Bán các tài sản có mức độ rủi ro cao; hạn chế, ngừng mua cổ phiếu quỹ; Thu hồi nợ; bán lại cổ phần, phần vốn góp cho chủ nợ; Cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý doanh nghiệp; tổ chức lại bộ máy quản lý, nhân sự, cắt giảm nhân viên; Thu hẹp phạm vi và địa bàn hoạt động; đóng cửa một số chi nhánh, phòng giao dịch; rút bớt nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán; Dừng việc chi trả cổ tức, phân phối lợi nhuận; thực hiện tăng vốn theo quy định của pháp luật; Hợp nhất, sáp nhập với tổ chức kinh doanh chứng khoán cùng ngành nghề, cùng loại theo quy định của pháp luật; Các biện pháp khác không trái với các quy định của pháp luật.
Các quy định về báo cáo và phương án khắc phục chi tiết về thực trạng tài chính, nguyên nhân và phương án khắc phục khi bị đặt vào tình trạng kiểm soát của các tổ chức kinh doanh chứng khoản được bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2021.