Điều hành chính sách tiền tệ: Điểm tựa vững chắc cho nền kinh tế

Theo Nguyễn Vũ/thoibaonganhang.vn

Dòng vốn tín dụng ngân hàng tập trung vào sản xuất - kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.

Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet

Hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 cho thấy, GDP 9 tháng năm 2018 tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất cùng kỳ kể từ năm 2011 trở về đây. Trong đó, cả 3 khu vực đều tăng cao: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%; khu vực dịch vụ tăng 6,89%. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,65%...

Có được kết quả này không thể không nói tới những đóng góp của chính sách tiền tệ (CSTT). Theo số liệu thống kê, tính đến 20/9/2018 tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9,52%; tổng phương tiện thanh toán tăng 8,74% so với cuối năm 2017. Tuy các con số trên có thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, song do dòng vốn được tập trung chủ yếu vào sản xuất kinh doanh, những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, trong khi tín dụng vào những lĩnh vực đầu cơ tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, nên hiệu quả của đồng vốn tín dụng đã được cải thiện rõ rệt, hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao.

Thế nhưng dấu ấn đậm nhất của CSTT chính là việc kiềm chế lạm phát ở mức thấp. Còn nhớ, ngay khi bước vào năm 2018, không ít chuyên gia kinh tế đã dự báo áp lực lạm phát năm nay sẽ lớn hơn nhiều so với năm trước. Thực tế những tháng qua đã chứng minh rõ cho những lo ngại này và kiềm chế lạm phát đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

Là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, NHNN Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để góp phần kiểm soát lạm phát. Việc tín dụng tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ cũng không nằm ngoài mục tiêu này. Nhờ đó, lạm phát cơ bản tháng 9/2018 tăng 0,14% so với tháng trước và tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 1,41% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Một thành công rất đáng ghi nhận nữa là mặc dù áp lực lạm phát tăng cao, song NHNN vẫn duy trì được sự ổn định của mặt bằng lãi suất, thậm chí mặt bằng lãi suất cho vay còn giảm nhẹ so với cuối năm trước. Lãi suất ổn định một mặt đã hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; mặt khác cũng góp phần hỗ trợ việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

“Rõ ràng giữ lạm phát bình quân trong 3 năm trở lại đây luôn ở mức dưới 4%, đặc biệt, sau 9 tháng năm 2018 lạm phát cơ bản mới tăng 1,41% không chỉ tạo dư địa rất tốt cho những điều chỉnh chính sách khi cần thiết mà còn thể hiện hiệu lực CSTT trong ổn định kinh tế vĩ mô đang ngày càng nâng cao”, một vị chuyên gia nhận xét và nhấn mạnh thêm, ổn định kinh tế vĩ mô là tiền đề quan trọng cho những cải cách, củng cố lòng tin cho nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Linh hoạt ứng phó với biến động bên ngoài

Không thể phủ nhận, áp lực đối với công tác điều hành CSTT những tháng qua là rất lớn nhất là trong bối cảnh thị trường thế giới liên tục biến động mạnh sau các lần tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhiều NHTW lớn khác cũng bắt đầu thắt chặt lại tiền tệ. Chưa hết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ và ngày càng có xu hướng leo thang cũng khiến thị trường toàn cầu biến động mạnh, tạo thêm áp lực đối với tỷ giá, lạm phát ở trong nước.

Thế nhưng, bằng các giải pháp điều hành chủ động linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách của NHNN, thị trường ngoại hối, tỷ giá trong nước cơ bản được ổn định, qua đó gia tăng vị thế và uy tín của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thành công càng lớn hơn khi xét trong bối cảnh nhiều đồng tiền trong khu vực rớt giá mạnh so với đồng USD khiến thị trường tiền tệ - tài chính của những nền kinh tế này cũng liên tục biến động mạnh.

Tại phiên họp quý III/2018 Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia vừa diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao điều hành của NHNN thời gian qua đã rất chủ động, linh hoạt, nhất là về ổn định tỷ giá, lãi suất, tín dụng xuất khẩu. Đứng trước bối cảnh xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang, nhiều quốc gia có xu hướng tăng lãi suất nhưng lãi suất ở trong nước vẫn tiếp tục được điều hành ổn định. Tỷ giá tuy cũng có áp lực nhất định nhưng NHNN đã kịp thời điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền đồng VND hợp lý; thanh khoản thị trường vẫn bảo đảm, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã phối hợp chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác trong đó có chính sách tài khóa để ổn định và phát triển thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu Chính phủ, giảm chi phí vay vốn cho ngân sách nhà nước...

Mặc dù diễn biến nền kinh tế đang có nhiều yếu tố tích cực, nhưng các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng cần phải cảnh giác những yếu tố từ bên ngoài chứa đựng nhiều bất ngờ. Trong đó những thách thức mà công tác điều hành CSTT có thể đối mặt trong thời gian tới: độ mở của nền kinh tế rất lớn, chịu ảnh hưởng của các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới; điều hành tỷ giá, lãi suất có nhiều yếu tố khó lường khi chiến tranh thương mại leo thang…

Do đó, về điều hành CSTT, Hội đồng khuyến nghị, Chính phủ, NHNN tiếp tục giữ được mặt bằng lãi suất như thời gian vừa qua, nếu có thể thì tìm cách giảm lãi suất đối với lĩnh vực ưu tiên. Tiếp tục linh hoạt trong điều hành tỷ giá, giữ lạm phát cơ bản trong khoảng 1,5 – 1,6%; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các TCTD, gia tăng sức chống chịu cho hệ thống này…

Trước những khuyến nghị trên, lãnh đạo NHNN khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý.