Khó nới room dù tín dụng đang tăng thấp
Mới đạt được khoảng 50% chỉ tiêu của cả năm tính đến hết tháng 8/2018, tăng trưởng tín dụng được dự báo có thể không chạm tới ngưỡng 17-18% như mục tiêu.
Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên trì mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, vốn cho nền kinh tế phải thực chất, vào đúng lĩnh vực ưu tiên, kiên định điều hành không tăng tín dụng bằng mọi giá. Trong một diễn biến khác, lãi suất tiền gửi trên thị trường đang tăng mạnh.
Kiểm soát tăng tín dụng theo đúng mục tiêu
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 30/8/2018, tăng trưởng tín dụng đạt 8,5%, mức tăng trên là thấp nhất so với cùng kỳ 3 năm trở lại đây. Cụ thể, các năm 2017 tăng trưởng 10,8%; năm 2016 là 9,64% và năm 2015 là 10,21%.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, chỉ số tín dụng là chỉ số điều hành vĩ mô để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ, vì thế, việc cung ứng vốn cho nền kinh tế còn phải đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát.
"Với tính toán hiện nay, ta thấy 17% có thể là một chỉ tiêu phù hợp để vừa đạt được tăng trưởng cũng như bảo đảm được kiểm soát lạm phát. Còn nhu cầu vốn cho nền kinh tế, kể cả hiện nay cũng như tiếp theo, đặc biệt với những lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi, đều đã có kế hoạch và các ngân hàng thương mại vẫn luôn đảm bảo thanh khoản cho những ưu tiên này", ông Tú nhấn mạnh.
Chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, nhận định, với mức tăng trưởng 8 tháng đầu năm là hơn 8% thì room tăng trưởng tín dụng còn lại cho quý cuối năm là lớn. Tuy nhiên, việc cấp thêm hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng thương mại không dễ dàng, vì ngay từ đầu năm NHNN đã chủ trương không tăng tín dụng bằng mọi giá. Ông Lực cũng chia sẻ thêm, nếu nới room tăng trưởng tín dụng thì không nên cào bằng mà tùy vào năng lực của từng ngân hàng.
Tháng 8/2018, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã ban hành Chỉ thị 04/CT-NHNN về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2018 với một trong những nội dung chính là không nới room tín dụng nửa cuối năm để kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống, cũng như từng tổ chức tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra; Không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt như một số tổ chức tín dụng tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém). Đồng thời, các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông…
Lãi suất huy động tăng, thị trường không nhiều biến động
Mặc dù tín dụng tăng trưởng chưa cao nhưng mùa kinh doanh cao điểm cuối năm đã chớm đến, các ngân hàng bắt đầu tập trung vốn cho nền kinh tế khiến cho lãi suất huy động có diễn biến tăng đáng kể, thiết lập một mặt bằng lãi suất mới.
Theo cập nhật của NHNN, hiện mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm.
Một số ngân hàng thương mại từ đầu tháng 9 đến nay đã công bố lãi suất huy động mới, nhất là ở các kỳ hạn ngắn. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tăng mạnh lãi suất không kỳ hạn từ 0,2% lên 0,5%/năm; Một số ngân hàng khác như VPBank, Techcombank, MaritimeBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, lên thành 5,3 – 5,5%/năm. Các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, VietinBank cũng điều lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng từ 4,1% lên 4,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng từ 4,6% lên 4,8%/năm. Riêng Vietcombank còn tăng lãi suất cả kỳ hạn dài từ 6,5% lên 6,6%/năm.
Nhận định về diễn biến lãi suất trên thị trường, TS. Nguyễn Đức Độ - Học viện Tài chính cho rằng, có một số yếu tố được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tăng lãi suất thời gian qua như việc lạm phát có xu hướng tăng và diễn biến của tỷ giá. Dựa trên các tín hiệu từ nền kinh tế, ông Độ cho rằng, áp lực của lạm phát lên lãi suất thời gian tới sẽ giảm dần. Và nếu NHNN kiên trì điều hành tỷ giá với mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thì sức ép của tỷ giá lên lãi suất sẽ không lớn.
Được biết, 8 tháng đầu năm 2018, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, kịp thời phù hợp với chủ trương của Chính phủ; điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng qua các kênh để điều tiết tiền tệ hợp lý, hỗ trợ thanh khoản hệ thống và đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế. Đồng thời, giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhằm chia sẻ với khó khăn của khách hàng vay. Trong những tháng còn lại của năm 2018, nhà điều hành vẫn sẽ kiên trì chính sách điều hành linh hoạt, sát với diễn biến thực tế của thị trường để đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế vĩ mô.
Tại Nghị quyết số 119/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các tổ chức tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.