Điều hành giá bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế
(Tài chính) Công tác quản lý giá có vai trò quan trọng trong mục tiêu bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Do vậy, để hoàn thành nhiệm vụ đó, trong năm 2015, công tác điều hành giá phải gắn liền với công tác dự báo và đánh giá nhằm điều hành kịp thời, bám sát tình hình thị trường trong nước và quốc tế.
Dự báo bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế
Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới của IMF (cập nhật tháng 10/2014) dự báo, kinh tế thế giới sẽ tăng 3,8% vào năm 2015. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa được dự báo giảm trong thời gian tới. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã hạ dự báo giá dầu trong năm 2015 trong bối cảnh nhu cầu yếu trong khi nguồn cung khá dồi dào: giá dầu WTI bình quân ở mức 77,75 USD/thùng, giá dầu Brent bình quân ở mức 83,42 USD/thùng. Cũng theo IMF, giá kim loại dự báo không có nhiều biến động trong năm 2015 do nguồn cung có nhiều thuận lợi. Giá lương thực có biến động trái chiều nhưng nhìn chung vẫn trong xu hướng giảm. IMF nhận định, trong năm 2015, lạm phát tiếp tục ở mức thấp, tại các nước phát triển bình quân ở mức 1,8%, tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển bình quân ở mức 5,6%.
Bối cảnh kinh tế trong nước năm 2015 được dự báo rằng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, cho doanh nghiệp năm 2014 sẽ tiếp tục phát huy tác dụng. Niềm tin kinh doanh, niềm tin tiêu dùng sẽ được cải thiện... Những yếu tố đó báo hiệu sự phục hồi kinh tế trong nước sẽ rõ rệt hơn. Tuy nhiên, năm 2015 cũng tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh năm 2014, tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi và việc tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, quan trọng thiết yếu (điện, than cho sản xuất điện, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí...).
Tuy nhiên, áp lực lạm phát từ thị trường thế giới năm 2015 không quá cao, kết hợp với những thành quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế được tích cực triển khai thực hiện từ những năm trước là những thuận lợi để phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát năm 2015 như Nghị quyết về kế hoạch phát triển Kinh tế- xã hội năm 2015 đã thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII là: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014”. Trong đó, đề ra chỉ tiêu GDP tăng khoảng 6,2%, tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%.
Định hướng quản lý, điều hành, bình ổn giá
Để thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá để thích ứng với sự biến động về kinh tế trên thế giới cũng như bối cảnh trong nước năm 2015 thì cần đến sự chủ động, trách nhiệm của tất cả các Bộ, Ban, Ngành liên quan cũng như các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương trong lĩnh vực này. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá nói chung; các Bộ quản lý chuyên ngành cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hàng hóa dịch vụ chuyên ngành thuộc Bộ, ngành quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá trên địa bàn địa phương theo quy định của pháp luật. Trong đó, chú trọng 9 biện pháp chính, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai, giám sát thực hiện có hiệu quả pháp luật về giá.
Thứ hai, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát theo quy định của pháp luật. Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về giá theo quy định của Luật giá.
Thứ ba, tiếp tục triển khai có hiệu quả biện pháp bình ổn giá theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan, trước mắt là đối với giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Giá dịch vụ bốc dỡ container tại khu vực Cảng Cái Mép, Thị Vải; Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ năm, giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công... Trường hợp điều chỉnh giá phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm để hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ sáu, tiếp tục điều hành giá xăng dầu, giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; điều hành giá than bán cho sản xuất điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 246/VPCP-KTTH; Thực hiện lộ trình giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ, trong đó cân nhắc, tính toán phương án điều chỉnh để tránh tác động lớn đến đời sống nhân dân, khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế và mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô...
Thứ bảy, thực hiện công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận.
Thứ tám, cần tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá có hiệu quả trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Theo đó các Bộ, ngành, địa phương cần ban hành văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 2118/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/10/2014 về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động có kế hoạch dự trữ, chuẩn bị hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân trong dịp tết Nguyên Đán 2015; đánh giá hiệu quả của các biện pháp và Chương trình bình ổn giá đã thực hiện để làm cơ sở quyết định các biện pháp bình ổn giá tại địa phương trước và trong dịp Tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015 trong đó nghiên cứu nhân rộng mô hình bình ổn giá không sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ.
Thứ chín, tiếp tục phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần bình ổn thị trường và kiểm soát lạm phát như chính sách tài khoá chặt chẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt; điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công; tăng cường quản lý thị trường, hoàn thiện hệ thống lưu thông phân phối theo hướng giảm bớt các tầng nấc trung gian...